Chào xuân mới 2023

Báo xuân

Mùa xuân hoa cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tết rồi, mùa khô ràn rạt gió và nắng. Mùa này, Tây Nguyên có thể ứng vào câu thơ của Nguyễn Trãi: “Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”. Một thời mùa này, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, chỉ có mịt mù bụi đỏ, đỏ từ lá cây, nếu loại cây ấy còn lá, tới nhà cửa, người ngợm. Bụi, khô và bỏng rát vì... lạnh. Mùa này lạ lắm, nắng ong óng vàng và lạnh quắt tai, thứ lạnh khô rất hiếm, đặc trưng Tây Nguyên.

Thời ấy, nói tới hoa là điều xa xỉ. Có mảnh đất trống nào người ta tận dụng bằng hết để trồng rau lang với su su nuôi heo và nuôi... người.

Giờ thì hoa. Chỗ nào, lúc nào cũng hoa.

Nhà tôi có rất nhiều lọ cắm hoa, từ sang trọng của Nhật, của Tàu tới... bạn bè tự nặn chép thơ tôi vào đấy rồi nung, nhưng lọ nào đi với hoa nấy chứ không thể xô bồ được, trong đó có cái bình gốm Phước Tích do Bí thư Huyện ủy Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng. Loại bình gốm này, lạ thay, nó rất hợp với xuyến chi, loại hoa dại mọc khắp nơi trên cao nguyên, như dã quỳ vậy. Mà nó hơn dã quỳ ở mấy nhẽ. Thứ nhất, nó quý phái hơn. Nhỏ, trắng tinh khiết, nhụy vàng khiến nó quý phái. Thứ 2, xuyến chi cắm trong lọ không héo như dã quỳ, tươi như cúc họa mi nhưng không rậm rạp như cúc họa mi hoặc các loại cúc khác tương tự. Thứ 3, hoa nở quanh năm, cứ có đất trống là có xuyến chi, li ti cánh trắng, thổn thức nhụy vàng, tạo nên một hòa sắc dịu dàng, vui mắt...

Tết, bạn hãy thử đi, cắm một lọ xuyến chi trên bàn, căn nhà sẽ ấm cúng hơn rất nhiều.

Thiếu nữ bên cánh đồng hoa xuyến chi xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Ảnh: Phạm Quý

Thiếu nữ bên cánh đồng hoa xuyến chi xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Ảnh: Phạm Quý

Dã quỳ thì khỏi nói rồi. Trước Tết chừng 2 tháng, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya do huyện Chư Păh tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Thì đấy là điểm nhấn để phục vụ du lịch thôi, chứ thật ra, khắp hang cùng ngõ hẻm Gia Lai chỗ nào chả vàng rực dã quỳ. Thay vì tới Chư Đang Ya, tôi thường chạy xe về phía đường 14, dã quỳ đẹp mê hoặc. Mà nếu không thích đi xa thì ngay các con hẻm nhỏ ở nội ô Pleiku, nhiều nơi cũng rừng rực dã quỳ. Chả thế mà có tới mấy quán cà phê trên đường Tô Vĩnh Diện tạo view để khách tới uống cà phê ngắm dã quỳ.

Lại nói cà phê. Hôm rồi, một cháu gái, một người rất thích phượt, mà toàn phượt một mình, dù đã có chồng con, nhà ở Hạ Long nhắn: “Chú ơi, cháu muốn ngắm hoa cà phê thì đi vào tháng nào”. Tôi liền xách xe chạy một vòng ra Biển Hồ, vào cái đường hẻm cắt về Pleiku sang đường Lê Duẩn thì may thay, còn mấy rẫy cà phê đang trắng muốt hoa, bèn nhắn lại: “Trong vòng 1 tuần nữa thì hoa vẫn còn”. Thế là, cô bé vèo một cái, xe Hạ Long-Hà Nội, rồi từ Hà Nội đến Pleiku, kịp ngắm và chụp ảnh cái vườn cà phê đang trắng muốt hoa tôi chỉ. Sau hỏi một anh bạn rành nông nghiệp, anh ấy nói, cà phê nở hoa ngoài thời vụ thì nó còn phụ thuộc vào lịch tưới. Mùa ấy, cứ tưới thì nó ra hoa, rẫy tôi chỉ cho cô bé ấy, họ tưới muộn nên nó ra hoa khi các vườn cà phê khác đã bắt đầu bói quả.

Một câu hỏi đặt ra của cô bé thích phượt ấy với tôi: “Sao chú không quảng bá du lịch ngắm hoa cà phê. Theo cháu, hoa cà phê đẹp nhất trong các loại hoa, bởi nó trắng đến trinh nguyên, đến ngộp thở và nó thơm nữa. Thứ hoa dại mà chú hay viết ca ngợi mà cháu có đọc như dã quỳ với xuyến chi ấy, đành rằng nó đẹp nhưng không có hương, hoa cà phê thì rất thơm, nó tương phản với đất đỏ và tương phản với... cái ly cà phê chú cháu mình vừa uống”.

Lại nhớ lần đưa nhà thơ Vân Long cũng đi ngắm hoa cà phê ở Pleiku, ông phát hiện ra một điều rất hay và sau thành cái tứ rất độc trong bài thơ của ông: “Một đời uống cà phê đen, mới hay hồn hoa trắng”. Ừ nhỉ, mấy ai phát hiện ra cái tứ thú vị ấy.

Lại nhớ về hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, tôi thích hoa đào, Tết kiểu gì thì kiểu cũng cố kiếm một cành, có khi nó chỉ nhỏ như... cái đũa, chỉ có nụ không có hoa, thế mà nâng như nâng trứng, đem về thả vào cái ly để trên bàn viết để nhớ mùa xuân xứ Bắc. Nếu tôi không nhầm, hồi đó, cả Pleiku chỉ có vườn hoa của anh Sơn. Vườn anh Sơn có một cây đào, nghe nói anh lấy giống từ... Đà Lạt, đa phần chỉ có cành và lá.

Sau, ở ngay cái sân bé tí nhà mình, tôi thả một gốc đào, không phải Nhật Tân đâu, Nam Định hay Thái Bình chi đó. Và trời ạ, nó lên rất đẹp, cung cấp hoa cho cả xóm. Cứ Tết là mỗi nhà sang tỉa một cành. Điều đặc biệt là, một năm nó ra hoa 2 lần, một lần vào đúng mùa mưa. Mưa Pleiku thời ấy trắng trời, tôi ngồi nhìn ra cửa sổ ngắm hoa đào nở trong mưa và viết cái tản văn “Hoa đào giữa mùa mưa”.

Giờ, cứ Tết là hoa đào miền Bắc chở vào xếp ngàn ngạt chợ hoa và không chỉ chợ hoa, mà khắp các ngả đường có thể bày hoa bán. Những gốc đào ấy, nhà có đất, sau Tết lại thả xuống và nó lại sống, lại có loại đào thương hiệu Pleiku năm nở 2 lần, một lần vào giữa mùa mưa, cực đẹp và lạ.

Cũng giờ, cứ Tết là tràn ngập các loại hoa, từ hoa bình dân tới cao cấp, từ chậu vạn thọ dăm chục ngàn tới gốc mai mấy chục triệu đồng. Từ lọ hồng tới giỏ hoa lan, từ các loại hoa nhập từ nước ngoài tới cũng hoa nhập nhưng từ các tỉnh lân cận.

Tết, nhà nào cũng hoa. Có nhà, rải hoa ngay từ cổng. Hoa như biểu tượng của thịnh vượng, của vui tươi, đầm ấm, và hoa như một biểu trưng của đời sống, của tâm hồn. Càng ngày cái sự ăn Tết càng được thay bằng chơi Tết và hoa là một kiểu chơi sang trọng, lịch lãm, đầy yếu tố thẩm mỹ, văn hóa.

Và cả cỏ. Nhà tôi có mấy chậu cỏ, tới mùa xuân nó cũng nở hoa tưng bừng. Nào cứ phải hoa to nụ lớn mới là hoa, li ti có cái đẹp của li ti, chúm chím có cái duyên của chúm chím. Loại cỏ này, khi nở nó cứ chúm chím như cô gái 17 tuổi lần đầu được bạn trai dẫn đi chợ hoa. Chỉ cái sắc xanh của cỏ thôi, nó cũng điểm tô cho mặt đất này nét đẹp riêng có, để cụ Nguyễn Du phải thảng thốt mà rằng: “Cỏ non xanh rợn chân trời...”.

Có thể bạn quan tâm