Thời sự - Sự kiện

Phú Thiện ưu tiên nguồn lực đầu tư vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Huyện Phú Thiện có 10 xã, thị trấn với 17 dân tộc anh em sinh sống. Tỷ lệ người DTTS chiếm 61,43% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 2 xã (Chư A Thai, Ia Yeng) và 18 thôn, làng đặc biệt khó khăn do có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, tiếp thêm động lực giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Đường vào thôn Drok (xã Chư A Thai) được bê tông hóa giúp người dân lưu thông thuận lợi. Ảnh: N.H

Đường vào thôn Drok (xã Chư A Thai) được bê tông hóa giúp người dân lưu thông thuận lợi. Ảnh: N.H

Ông Siu Tinh-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống điện-đường-trường-trạm dần hoàn thiện, cuộc sống của người dân ngày một khởi sắc. Hệ thống đường giao thông nông thôn, đường nội đồng đã được bê tông hóa, cứng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, bà con DTTS đã từng bước thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Cuối năm 2022, toàn xã còn 178 hộ nghèo, trong đó có 163 hộ nghèo là người DTTS. Năm 2023, xã phấn đấu giảm 65 hộ nghèo, trong đó, giảm 53 hộ nghèo người DTTS.

Nói về sự đổi thay của làng, ông Ngân Văn Tích-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Drok (xã Chư A Thai) cho hay: Làng có 325 hộ, chủ yếu là người DTTS. Trước đây, tuyến đường chính từ thôn ra trung tâm xã là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, tuyến đường này vừa được bê tông hóa giúp người dân lưu thông thuận lợi hơn. Không những vậy, gần 100% đường nội thôn cũng được bê tông hóa, cứng hóa góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt, 100% hộ dân đã sử dụng điện lưới quốc gia trong sinh hoạt và sản xuất.

Sau khi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, xã Ia Ake đã không ngừng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở ở các thôn, làng. Theo ông Vũ Tiến Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã: Xã có 65% dân số là người DTTS. Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng điện-đường-trường-trạm và hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định hơn. Riêng năm 2023, xã triển khai làm 1 km đường giao thông nông thôn. Hiện xã đang tập trung lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng đến mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong những năm tới.

Người dân thôn Glung Mơlan (xã Ia Ake) được hỗ trợ bồn chứa nước. Ảnh: Nguyễn Hồng

Người dân thôn Glung Mơlan (xã Ia Ake) được hỗ trợ bồn chứa nước. Ảnh: Nguyễn Hồng

Làng Glung Mơlan được xã Ia Ake chọn điểm xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS năm 2023. Ông Ksor Bắp-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Glung Mơlan-chia sẻ: Đến thời điểm này, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện, đáp ứng theo quy định. Vừa rồi, một số hộ nghèo, cận nghèo trong làng được hỗ trợ bò sinh sản, bồn chứa nước… Người dân đang nỗ lực phấn đấu cuối năm nay sẽ đạt chuẩn làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS.

Từ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 80% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99,8% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 96,3% hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% hộ đồng bào DTTS có ti vi…

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Hàng năm, huyện đều dành một phần ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bên cạnh đó, huyện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đi lại của người dân. Nhờ vậy, hạ tầng nông thôn của huyện ngày một hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, nhất là đồng bào DTTS. Hiện nay, huyện đang tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án định canh định cư, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, đặc biệt là bà con vùng DTTS.

Có thể bạn quan tâm