Chị Trần Thị Thanh (thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã chọn cây đu đủ lùn là loại cây trồng chủ lực của gia đình mình trên 6.000 m2 đất sản xuất kém hiệu quả của gia đình.
Theo sự giới thiệu của chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Thạch, chúng tôi đến thăm mô hình trồng đu đủ lùn của gia đình chị Thanh. Chúng tôi được tận mắt thấy những hàng đu đủ thấp, tàu lá xanh mượt, trái đơm kín. Trong số đó, có phần diện tích đang cho thu hoạch lứa đầu tiên, có phần diện tích đã thu hoạch lứa trái thứ 2.
Chị Trấn Thị Thanh (xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chăm sóc vườn đu đủ cho thu hoạch lứa đầu. |
Ngồi trò chuyện với chị và được chị kể lại cái duyên đến với nghề trồng cây đu đủ. Năm 2019, sau cơn lũ lụt lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên, gia đình chị hoàn toàn mất trắng, những bãi đất chẳng còn sót lại gì.
Lúc đó chị được Hội Phụ nữ tỉnh mời tham dự lớp tập huấn các phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả và được giới thiệu những mô hình hay và thực sự có hiệu quả kinh tế.
Trong đầu chị Thanh lóe lên suy nghĩ sẽ chuyển đổi 6.000 m2 đất trồng lúa một vụ hưởng nước trời của gia đình mình sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Nhờ đến sự tư vấn của cán bộ khuyến nông huyện, chị quyết định chọn trồng cây đu đủ.
Ban đầu gia đình chị trồng khoảng 300 cây đu đủ nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên thu nhập chưa cao. Thế là chị quyết tâm nhờ cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện hướng dẫn và dần dần đúc kết thêm kinh nghiệm.
Chị Thanh cho biết, cây đu đủ rất dễ trồng nhưng muốn cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, năng suất cao và chất lượng quả tốt thì người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống cho đến lúc cây ra trái.
Đu đủ rất khó nảy mầm nên hạt phải đem ngâm nước ấm (1 sôi 3 lạnh) trong 24 giờ, sau đó vớt hạt cho vào bầu ươm. Ngày che mát, đêm giở ra, thường xuyên tưới nước cho cây con từ 1 đến 1,5 tháng rồi đem ra trồng.
Bí quyết làm cho cây đu đủ tăng trưởng và sạch bệnh là khâu làm đất phải thật kỹ. Phân bón lót là phân chuồng được ủ Tritroderma để diệt sạch mầm bệnh, kích thích bộ rễ phát triển tốt, hạn chế hiện tượng chết ẻo,… Ngoài ra còn phải bón vôi, phân lân và các loại phân vô cơ trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây,…
Khi cây càng lớn phải đấp đất xung quanh gốc đu đủ để chống đổ ngã. Trong suốt quá trình cây phát triển, theo dõi phát hiện những trường hợp bị bệnh kịp thời xử lý để tránh lây lan,…
Sau khoảng 6 tháng trồng là có thể thu hoạch lứa quả đầu tiên, khoảng 20 ngày sau lại thu lứa tiếp theo, mỗi năm thu khoảng 3-4 lứa quả. Nếu chăm sóc tốt, trái đu đủ có trọng lượng từ 1,5-3,5 kg.
Chị chỉ để khoảng vài trái trên một cây làm trái chín, còn lại bán xanh. Với diện tích như hiện nay chị thu khoảng 60 tấn quả, giá bán giao động từ 7.000 đồng- 8.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 250 triệu đồng.
Đu đủ của gia đình chị luôn được thương lái đến tận vườn thu mua vì mẫu mã đẹp nên giá bán đu đủ nhà chị luôn được giá cao.Trồng đu đủ so với trồng lúa thì lợi nhuận cao gấp nhiều lần, chưa kể đến thu nhập từ rau cải, rau muống trồng xen canh khi đu đủ còn nhỏ. Vì vậy nên hơn 2 năm qua, gia đình chị Thanh luôn chọn cây đu đủ là cây trồng chủ lực.
Là chi hội trưởng Hội phụ nữ của thôn nên chị Thanh luôn quan tâm, giúp đỡ chị em muốn học tập kinh nghiệm trồng cây đu đủ lùn để cải thiện đời sống gia đình.
Mô hình trồng cây đủ đủ lùn của chị Thanh góp phần làm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương, giúp tăng hiệu quả sản xuất trên đất lúa kém hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Là chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, chị Trần Thị Thanh đã dám nghĩ, dám làm, biết vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra. |
Theo Phan Chân Thuyên (TTKN tỉnh Phú Yên/Dân Việt)