Thời sự - Bình luận

Phục hồi nền kinh tế sau đại dịch: Mục tiêu sống còn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tác động bất lợi của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch càng kéo dài, thiệt hại càng lớn, nguy cơ có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn cầu. Chủ động tiên liệu các tình huống xấu nhất do tác động của dịch bệnh để có giải pháp điều hành nền kinh tế ổn định, phục hồi tăng trưởng khi dịch đi qua là việc làm cấp bách lúc này.

 

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa, nguồn VGP)
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh minh họa, nguồn VGP)

Điều dễ thấy là tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn đã làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; lao động mất việc làm, tình trạng tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên... Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu và của từng quốc gia đều bị tác động nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn được dự báo có mức tăng trưởng âm. Các khu vực nhạy cảm khác như tài chính, bảo hiểm, chứng khoán bị ảnh hưởng sẽ làm gia tăng bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ, dễ dẫn tới khủng hoảng.

Đại dịch cũng làm cho trật tự và quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương cũng như vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi. Sẽ có những quốc gia chịu thiệt hại nhưng cũng có quốc gia được hưởng lợi; khoảng cách phát triển có khả năng được sắp xếp lại và hình thành xuất phát điểm mới trong tiến trình phát triển của từng quốc gia, khu vực.

Dù được đánh giá là quốc gia ứng phó với dịch Covid-19 thành công bằng chi phí thấp nhưng sự thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam cũng đã hiển hiện. GDP quý I chỉ tăng trưởng 3,82%. Tăng trưởng suy yếu ở cả 3 khu vực: dịch vụ tăng 3,27%; nông-lâm-ngư nghiệp tăng 0,08%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Đại dịch đã gây ảnh hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ, nhất là ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11%).

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy chỉ có 38,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong quý II, 25,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Đây là mức độ lạc quan trong kinh doanh được cho là thấp nhất kể từ tháng 4-2012 đến nay.

Tuy nhiên, tại cuộc tọa đàm trực tuyến về kinh tế vĩ mô quý I-2020 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, hầu hết chuyên gia kinh tế lại cho rằng, bài học từ dịch Covid-19 có thể tạo ra nhận thức mới, xu hướng mới về đầu tư, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với mục tiêu phân tán rủi ro, hạn chế tác động dây chuyền và lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong những ngày chống dịch gay gắt nhất cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau khi đại dịch đi qua, biến nguy thành cơ, xem đại dịch là cơ hội rà soát lại chính sách phát triển, đưa nền kinh tế đi lên trong điều kiện có nhiều rủi ro. Để khẳng định quyết tâm này, đến nay, Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị kế hoạch vực dậy nền kinh tế tùy theo các mức độ lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, 3 kịch bản theo 3 cấp độ: lạc quan, trung tính và bi quan đã được tính đến (theo thời gian khống chế dịch lần lượt vào giữa tháng 5, nửa sau quý III và nửa sau quý IV-2020).   

Tuy nhiên, dù bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của các ngành như hàng không, du lịch hay xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch. Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể.

Vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Trong mọi hoàn cảnh phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn khả năng hoạt động thích ứng (vừa sản xuất vừa phòng-chống dịch bệnh); ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Về lâu dài, cần có những chính sách dài hơi hơn như: giữ nền tảng vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau bệnh dịch; từng bước xây dựng chính sách tài khóa đệm để phòng những cú sốc lớn; đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu (tránh phụ thuộc hoàn toàn vào các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc).

Chính phủ đã công bố các gói hỗ trợ nền kinh tế với nguồn chi hàng trăm ngàn tỷ đồng. Vấn đề là bộ máy từ Trung ương đến địa phương sẽ vận hành như thế nào để những gói hỗ trợ này thực sự phát huy tác dụng, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Vì trong bất cứ bối cảnh nào, thúc đẩy kinh tế vẫn phải được coi là mục tiêu sống còn của đất nước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG



 

Có thể bạn quan tâm