Pleiku: Khó khăn trong xã hội hóa giáo dục mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku đã phải cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên ngay từ đầu năm học 2018-2019. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các lớp học bán trú, nhiều trường đã phải vận động phụ huynh đóng góp xã hội hóa tiền lương cho giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, công tác này tại các trường vùng ven thành phố đang gặp rất nhiều ách tắc, khó khăn.
Ngay từ đầu tháng 10, khi Trường Mầm non Hướng Dương (phường Chi Lăng) thực hiện việc xã hội hóa tiền lương cho giáo viên hợp đồng với 100.000 đồng/cháu/tháng, số trẻ học bán trú đã giảm 25 cháu, 10 trẻ 5 tuổi được phụ huynh rút hồ sơ, nhiều trẻ 3-4 tuổi nghỉ học, không ít trẻ học xong buổi sáng được đón về và không đến lớp vào buổi chiều. Nói rõ thêm về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hồng Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Trường có 4 lớp bán trú từ 3 đến 5 tuổi. Để duy trì các lớp này, nhà trường phải hợp đồng 4 giáo viên, vì nếu để 1 giáo viên biên chế đứng lớp bán trú là trái quy định. Chúng tôi đã họp phụ huynh từ cuối tháng 9 để vận động xã hội hóa nhưng nhiều phụ huynh phản đối gay gắt và cho trẻ nghỉ học hoặc chuyển qua các cơ sở tư thục”.
 Nhiều giáo viên dạy lớp bán trú hiện phải một mình đứng lớp rất vất vả. Ảnh: N.G
Nhiều giáo viên dạy lớp bán trú hiện phải một mình đứng lớp rất vất vả. Ảnh: N.G
Không chỉ lo lắng trước tình trạng trẻ chuyển trường, nghỉ học, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hướng Dương còn phải đau đầu giải bài toán tìm giáo viên hợp đồng. Nhiều giáo viên chấp nhận nghỉ dạy vì nếu xã hội hóa thành công thì thu nhập của họ cũng quá ít ỏi, lại không được nhận bất kỳ một quyền lợi nào của người lao động, kể cả đóng bảo hiểm. Hiện tại, trường có 150 trẻ đăng ký học bán trú. Sau khi miễn giảm cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 4 giáo viên hợp đồng nhận tiền lương xã hội hóa khoảng hơn 3,5 triệu đồng/giáo viên (chưa đóng bảo hiểm) với thời gian làm việc từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. “Có giáo viên dạy 1 ngày rồi nghỉ, sau khi biết chế độ tiền lương xã hội hóa. Hiện nhà trường vẫn đang tuyển thêm 3 giáo viên hợp đồng để phụ 3 cô ở lớp bán trú vì các cô này đã phải đứng lớp một mình từ đầu tháng 9 đến nay. Nhiều giáo viên hợp đồng chấp nhận lương thấp nhưng phải được đóng bảo hiểm. Đây cũng là một áp lực mà chúng tôi chưa có hướng giải quyết”.
Cô Hồ Thị Thu Hường-giáo viên hợp đồng Trường Mầm non Hướng Dương-bày tỏ: “Vì muốn gắn bó với ngành nghề được đào tạo nên tôi vẫn đứng lớp dù lương thấp. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn là được đóng bảo hiểm, được hưởng những quyền lợi tối thiểu của một giáo viên. Còn bây giờ, chúng tôi lại phụ thuộc hoàn toàn vào phụ huynh nên cảm thấy rất tủi thân”. Nỗi lòng của cô Hường cũng là nỗi lòng của nhiều giáo viên hợp đồng khác khi buộc phải nghỉ dạy vì nhà trường không thể xã hội hóa tiền lương. 

Bà Phạm Thị Kim Thoa-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku: “Thành phố Pleiku hiện thiếu hơn 100 giáo viên theo định mức tối thiểu của lớp bán trú. Xã hội hóa tiền lương cho giáo viên hợp đồng là giải pháp mà các trường lựa chọn để duy trì mô hình bán trú, bởi đây là mô hình hiệu quả trong việc vận động, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đang xin chủ trương hợp đồng để hỗ trợ, ưu tiên các trường vùng ven nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn”.  

Tình trạng nan giải này cũng đang diễn ra tại Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Gào) khi phải dừng nhiều lớp bán trú. Sau khi trường tổ chức họp phụ huynh vận động xã hội hóa tiền lương giáo viên hợp đồng để duy trì các lớp bán trú, rất nhiều phụ huynh đã không đồng ý vì điều kiện gia đình khó khăn. Chị Trương Thị Tường Vi-phụ huynh Trường Mầm non Hoa Pơ Lang-nói: “Tôi vẫn đồng ý đóng góp xã hội hóa tiền lương cho cô giáo hợp đồng, vì nếu không học bán trú thì nhà tôi cũng không có ai đưa đón và trông cháu vào buổi trưa. Nhưng nhiều phụ huynh khác không có tiền đóng thì đành cho con cháu ở nhà”.
Cô Mai Thị Năm-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang-nói: “Chúng tôi đã phải dừng bán trú cho gần 90 học sinh tại điểm trường làng A vì số phụ huynh tham gia xã hội hóa quá ít. Điều chúng tôi lo ngại đã xảy ra khi rất nhiều trẻ 3-4 tuổi nghỉ học, nhiều trẻ khác vắng học vào buổi chiều. Ngày đầu tiên bỏ lớp bán trú đã có hơn 30 trẻ nghỉ học. Tại lớp Mầm có 25 trẻ nhưng chỉ 12 trẻ đến lớp; lớp Chồi 38 trẻ thì chỉ 22 trẻ đến lớp. Việc không duy trì được các lớp bán trú sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động, duy trì sĩ số và chăm sóc trẻ”.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Hoa Cúc (xã Diên Phú), công tác xã hội hóa tiền lương cho giáo viên hợp đồng cũng gặp không ít khó khăn, dù số tiền nhà trường đưa ra chỉ ở mức 70.000 đồng/trẻ/tháng. Cô Nguyễn Thị Thơi-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Không thể trách phụ huynh được vì điều kiện kinh tế của họ cũng rất khó khăn. Trường chúng tôi chỉ vận động xã hội hóa 1 giáo viên hợp đồng mà cũng phải họp phụ huynh nhiều lần. Theo tôi, không thể áp đặt giải pháp xã hội hóa tiền lương ở những vùng kinh tế khó khăn”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm