Pleiku: Ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngay sau khi trên địa bàn phường Yên Thế xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6, cơ quan chức năng và các xã, phường của TP. Pleiku đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Nhanh chóng khống chế ổ dịch
Ngày 19-7, nhiều con gà ở trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Công Nghĩa (tổ 3, phường Yên Thế) có những triệu chứng như sốt, ủ rũ, bỏ ăn, da tím tái, chân tụ huyết, mào tím. Ông Nghĩa đã tiến hành các biện pháp điều trị cho đàn gà nhưng bệnh không bớt. Đến ngày 23-7, khi số gà chết lên đến 80 con, gia đình ông chủ động lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Thú y vùng V, đồng thời thông báo tình hình cho cơ quan chức năng của phường Yên Thế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố. Một ngày sau, Trung tâm Thú y vùng V thông báo kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm A/H5N6.
Ông Võ Đăng Yên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho biết: Ngay trong ngày 24-7, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, kiểm đếm và tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm 3.600 con của ông Nghĩa. Đồng thời, tiến hành ngay việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ trại chăn nuôi và xung quanh khu vực ổ dịch; cắm biển cấm ra vào khu vực ổ dịch; đề nghị chính quyền địa phương quản lý toàn bộ số gia cầm trên địa bàn, không cho mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm ra vào khu vực này. “Từ khi phát hiện ổ dịch đến nay, Trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND phường Yên Thế bám sát cơ sở, tổ chức giám sát tình hình nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Đồng thời, Trung tâm phân công cán bộ thú y xuống địa bàn phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiểm tra thức ăn, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, tại tổ 3 (phường Yên Thế) chưa phát sinh ổ dịch mới”-ông Yên cho biết thêm.
 Một người dân phường Yên Thế phun hóa chất phòng-chống dịch cúm gia cầm cho đàn gà của gia đình. Ảnh: L.N
Một người dân phường Yên Thế phun hóa chất phòng-chống dịch cúm gia cầm cho đàn gà của gia đình. Ảnh: L.N
Không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku, tổng đàn gia cầm trên địa bàn là gần 211.000 con gồm: hơn 141.700 con gà; hơn 22.634 con vịt, ngan, ngỗng; hơn 40.000 con chim cút và khoảng 6.560 con bồ câu. Cúm A/H5N6 là bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra. Bệnh có khả năng lây lan rất nhanh. Đặc biệt, bệnh có thể lây lan sang người.
Trước thực tế đó, cơ quan chức năng của thành phố và UBND các xã, phường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Bà Trần Thị Huệ-cán bộ thú y phường Yên Thế-cho biết: Đây là lần đầu tiên trên địa bàn phường xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6. Sau khi tiến hành xử lý ổ dịch, UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, UBND phường đã gửi thông báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm; giao cho Tổ trưởng tổ dân phố 3 phối hợp với cán bộ thú y giám sát chặt chẽ tình hình đàn gia cầm tại khu vực xung quanh ổ dịch.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku cho biết thêm: Để phòng-chống cúm A/H5N6 lây nhiễm sang người, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng-chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025; xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng-chống bệnh cúm gia cầm từ ngày 25-7 đến 25-8. Hiện Trung tâm đã cấp 600 lít hóa chất cho các địa phương để tổ chức phun tiêu độc các khu vực chăn nuôi, khu mua bán, giết mổ gia cầm tập trung nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường. “Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh, địa phương phải chủ động xây dựng các biện pháp và bố trí nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng-chống bệnh cúm gia cầm phù hợp với tình hình thực tế; tuyên truyền người dân không sử dụng giống gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm và sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch. Người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm bị bệnh và chất thải từ gia cầm; tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh cúm để xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng”-ông Yên nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm