Kinh tế

Nông nghiệp

Pleiku: Nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ kinh phí chương trình khuyến nông hơn 443 triệu đồng, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku đã tổ chức 19 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và triển khai 3 mô hình khuyến nông nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cà phê được triển khai tại xã Gào và xã Ia Kênh với diện tích 3 ha của 6 hộ dân; tổng kinh phí thực hiện hơn 204 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng, người dân đối ứng hơn 84 triệu đồng). Ngoài hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức các buổi tập huấn, hàng tuần, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và UBND 2 xã đều cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật bón phân, nắm tình hình sâu bệnh để kịp thời hướng dẫn người dân xử lý. Nhờ đó, tại xã Gào, năng suất cà phê của các hộ tham gia mô hình đạt trung bình 4,02 tấn nhân/ha (cao hơn 0,2 tấn/ha so với cà phê của các hộ trên địa bàn); xã Ia Kênh đạt 3,2 tấn nhân/ha (cao hơn 0,1 tấn/ha so với cà phê của các hộ trên địa bàn).
Ông Phạm Ngọc Chuẩn (thôn 5, xã Gào) chia sẻ: “Trước đây, tôi chăm sóc cà phê theo kiểu tự phát nên vườn cây thường bị bệnh, năng suất đạt thấp. Từ khi tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và sử dụng phân hữu cơ, vi sinh thay phân hóa học. Nhờ đó, vườn cây không bị sâu bệnh. Vụ vừa rồi,  5 sào cà phê cho thu 2,2 tấn nhân, cao hơn năm ngoái 0,5 tấn. Thời gian tới, tôi sẽ áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp cho diện tích cà phê còn lại để đạt năng suất cao hơn”.
 Đàn gà 500 con của bà Nguyễn Thị Minh (thôn 2, xã Trà Đa) đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: H.T
Đàn gà 500 con của bà Nguyễn Thị Minh (thôn 2, xã Trà Đa) đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: H.T
Theo ông Nguyễn Văn Ánh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Gào: Trên địa bàn xã có 3 hộ dân tham gia mô hình này với tổng diện tích 1,5 ha. Các hộ dân áp dụng khá chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo hướng dẫn nên vườn cây phát triển tốt, cho năng suất đạt cao hơn so với các hộ dân không tham gia mô hình. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tổ chức hội thảo để giới thiệu về kỹ thuật và hướng dẫn người dân áp dụng mô hình này vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tương tự, mô hình trồng rau cải ngọt và cải cúc theo hướng hữu cơ được triển khai tại xã Chư Á với sự tham gia của 15 hộ dân, diện tích 1,5 ha cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chỉ tay về những luống rau đang chuẩn bị cắt để giao cho thương lái, ông Yanh (làng Wâu) chia sẻ: “Tham gia mô hình, tôi được cấp 10 bì hạt giống cải ngọt cùng một số phân bón vi sinh, thuốc phòng bệnh cho rau. Tôi còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và xã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật ủ phân, xử lý mầm bệnh trong đất, phun thuốc phòng bệnh khi rau được 5 ngày tuổi. Vì vậy, vườn rau không bị sâu bệnh và ước thu được khoảng 1,2 tấn. Với giá bán 5.000-8.000 đồng/kg, gia đình ước thu về gần 10 triệu đồng”.
Ông Siu Thân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Á-cho hay: Qua mô hình, người dân biết cách ủ phân hữu cơ để diệt các mầm bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi như trước. Mỗi sào rau cải ngọt cho thu 1,2-1,5 tấn, cải cúc đạt từ 8 tạ đến 1 tấn/sào. “Tuy nhiên, giá các loại rau vẫn còn bấp bênh nên chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để các hộ dân yên tâm sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Trên cơ sở đó, xã cũng sẽ nhân rộng mô hình này”-ông Thân nói thêm.
Ngoài ra, mô hình nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học được triển khai từ tháng 9 với sự tham gia của 4 hộ dân ở xã Trà Đa và các phường: Hoa Lư, Thắng Lợi, Ia Kring cũng đang được đánh giá là mang lại hiệu quả. Triển khai mô hình này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã cấp 1.900 con giống gà ri, 50% thức ăn, một phần thuốc thú y; đồng thời, tổ chức tập huấn và cử cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà cho các hộ tham gia. Đến nay, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt với trọng lượng trung bình đạt 1,5 kg/con. Dẫn chúng tôi ra xem đàn gà nuôi thả sau vườn, bà Nguyễn Thị Minh (thôn 2, xã Trà Đa) chia sẻ: “Hiện tại, gà đạt trọng lượng 1,6-1,7 kg/con. Thương lái đã trả giá 70.000 đồng/kg nhưng gia đình đợi đến Tết mới xuất bán để được giá cao hơn”.
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Mỹ Dung-cán bộ phụ trách mảng trồng trọt và bảo vệ thực vật (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku) đánh giá: Các mô hình khuyến nông được triển khai trong năm 2019 đều phát huy hiệu quả. Không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập, các mô hình này còn góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn để tạo sự bền vững trong hoạt động sản xuất của bà con. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất với các xã vận động người dân tiếp tục duy trì thực hiện và tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu nhằm nhân rộng các mô hình này trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân làm quen với việc sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn để đảm bảo chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường”-bà Dung cho biết.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm