Pleiku: Nỗ lực khuyến học trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học để sau này thành đạt hay đơn giản để biết cách trồng cây lúa, cây cà phê sao cho hiệu quả... là cách mà những người làm công tác khuyến học tại TP. Pleiku đã nỗ lực tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Gần 100% thôn, làng đồng bào DTTS có gia đình hiếu học là kết quả đáng mừng mà Hội Khuyến học TP. Pleiku đã đạt được vào cuối năm 2018. Trao đổi về vấn đề này, bà Mai Thị Hội-Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố-cho biết: “Đây là kết quả rất đáng phấn khởi của phong trào khuyến học trong cộng đồng DTTS. Chúng tôi chọn cách tạo điểm sáng để từ đó lan tỏa phong trào, bắt đầu từ việc xây dựng ít nhất 1 gia đình hiếu học trong mỗi thôn, làng. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng học tập để giúp bà con DTTS thấy rằng nếu chịu khó học tập thì làm việc gì cũng dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn”.
 Chị Ksor Linh hướng dẫn bài tập về nhà cho em HYim-một cô bé rất ham học của làng Nhing. Ảnh: N.G
Chị Ksor Linh hướng dẫn bài tập về nhà cho em H'Yim-một cô bé rất ham học của làng Nhing. Ảnh: N.G
Gia đình bà Ksor Bui (làng Nhinh, xã Tân Sơn) là một ví dụ cho sự thành công từ phong trào khuyến học trong cộng đồng DTTS. Được sự động viên, hỗ trợ của Hội Khuyến học xã, bà Bui đã một mình chăm chồng bị bại liệt và nuôi 4 cô con gái ăn học nên người. Các con bà người học ít nhất cũng lấy được tấm bằng tốt nghiệp THPT, những người còn lại lần lượt lấy bằng cao đẳng sư phạm và trung cấp y. Hiện nay, các con bà đều có công việc, cuộc sống ổn định. Chị Ksor Linh (con gái út bà Bui), hiện là cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Tân Sơn, chia sẻ: “Ngày trước, những lúc khó khăn nhất, mẹ phải đi xin cơm cho chúng tôi ăn để đi học. 4 chị em đã hứa với nhau là phải cố gắng học để có nghề nghiệp đàng hoàng, hay ít nhất là để biết cách sản xuất, làm ăn. Nhờ vậy mà 4 chị em tôi giờ đây đều có cuộc sống ổn định, có điều kiện giúp đỡ được bố mẹ”. Theo chị Ksor Linh, chính phong trào khuyến học đã giúp làng Nhing của chị thay da đổi thịt nhiều mặt. “Làng tôi nay gia đình nào cũng chăm lo chuyện học hành của con cái. Có cái chữ, có hiểu biết, nhiều người trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trở thành địa chỉ tin cậy để bà con  học tập kinh nghiệm, được Hội Nông dân các cấp ghi nhận xứng đáng”-chị Linh cho biết thêm.

Bà Mai Thị Hội-Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Pleiku: “Muốn phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học trong cộng đồng DTTS thì trước tiên cần làm thay đổi suy nghĩ của người dân về vai trò của sự học. Chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền để bà con hiểu rằng: Học để làm cán bộ, giáo viên, Công an... đều tốt, nhưng trước mắt việc học sẽ giúp bà con biết cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình”.

Gia đình ông Rơ Lan Lel (làng A, xã Gào) là một trong những gia đình hiếu học của xã. Từ chỗ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, vợ chồng ông nhận ra rằng: Không có cái chữ, không hiểu biết thì làm việc gì cũng khó. Thời điểm đó, Hội Khuyến học xã Gào cũng thường xuyên đến nhà tuyên truyền, động viên ông bà chăm lo việc học cho các con. Mưa dầm thấm lâu, vợ chồng ông quyết tâm làm lụng để tạo điều kiện cho 4 người con học tập. Ông Lel cho biết: “Vợ chồng tôi chưa mong cho con đi học để sau này chúng làm cán bộ, giáo viên gì cả. Chúng tôi chỉ nghĩ nếu biết nhiều cái chữ thì khi trồng cây lúa nước cũng có nhiều hạt hơn, trồng cây cà phê, cây hồ tiêu không bị chết. Đi học về chúng biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu từ ruộng rẫy”. Nhìn thấy nỗi vất vả của bố mẹ, 4 người con của ông Lel đã nỗ lực học tập. Đến nay, cả 4 người đều đã tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học, có việc làm ổn định và thường xuyên hỗ trợ bố mẹ làm kinh tế, đưa thu nhập gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 
Từ những điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài, các chi hội đã tích cực hưởng ứng. Ông Lê Văn Thông-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Gào-nói: “Sau 5 năm triển khai, phong trào khuyến học của xã Gào đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Hiện nay, gần 400/523 hộ DTTS đã tự nguyện vào Hội và có ý thức rõ ràng về vai trò của Hội Khuyến học. Số hội viên DTTS đầu tư cho con, cháu đi học nghề, trung cấp, cao đẳng ngày càng nhiều. Số tri thức trẻ người DTTS có trình độ đại học của xã cũng tăng lên không ngừng” .
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm