Pơ Nang đoàn kết xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2018, thị xã An Khê đã chọn làng Pơ Nang (xã Tú An) làm điểm xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền thị xã An Khê và sự chung sức, đồng lòng của dân làng Pơ Nang, đến nay, đời sống của người dân được nâng lên, diện mạo làng quê thay đổi rõ rệt.
Đoàn kết xây dựng làng NTM
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng, ông Nguyễn Văn Thuyết-Trưởng thôn Pơ Nang-cho biết: “Làng có 59 hộ với 240 khẩu, 100% là người dân tộc Banhar. Trong làng hiện còn 11 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo (giảm 9 hộ nghèo, tăng 10 hộ cận nghèo so với cuối năm 2017); thu nhập của người dân đạt 17,9 triệu đồng/năm, tăng 2,9 triệu đồng so với cuối năm 2017. Đến nay, Pơ Nang đã gần hoàn thành các tiêu chí làng NTM; 100% hộ gia đình đã ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, không còn tình trạng vứt, xả rác bừa bãi; tỷ lệ học sinh đi học chiếm 98%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%...”.
Theo ông Thuyết, có được kết quả trên là nhờ hệ thống chính trị làng Pơ Nang đã phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng NTM; thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến nhân dân trước khi triển khai công việc. Từ đó, người dân đã đồng thuận, đoàn kết tham gia các phần việc như di dời nhà cửa, chuồng trại theo quy hoạch. “Ngoài đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ cây, con giống để bà con phát triển kinh tế”-ông Thuyết chia sẻ.
 Hệ thống giao thông làng Pơ Nang được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: N.M
Hệ thống giao thông làng Pơ Nang được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: N.M
Chị Đinh Thị Ngọc (làng Pơ Nang) bộc bạch: Mới đây, gia đình tôi và 14 hộ dân trong làng được tham gia dự án trồng cà gai leo. Chúng tôi không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà gai leo mà còn được cán bộ nông nghiệp truyền đạt nhiều kiến thức liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, tôi và nhiều chị em khác trong làng có thêm kiến thức bổ ích, sau này áp dụng trong sản xuất để nâng cao năng suất, tăng thu nhập.
Về phía xã Tú An, ông Trần Ngọc Thiện-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho 4 tổ giúp làng, thường xuyên bám sát địa bàn để cùng người dân thực hiện những phần việc đề ra… Qua đó, nhân dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình mà đồng lòng chung tay xây dựng làng quê giàu đẹp”. 
Phát huy nội lực
“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay khi bắt tay vào xây dựng làng NTM, từ việc quy hoạch đến xây dựng các hạng mục công trình, huy động sự tham gia đóng góp tiền, ngày công…, xã đều công khai lấy ý kiến của nhân dân. Các hạng mục nào người dân làm được thì giao cho người dân, còn lại các hội, đoàn thể của xã giúp thực hiện”-ông Thuyết chia sẻ thêm.
Theo thống kê, tổng mức đầu tư cho làng Pơ Nang từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM đến nay là hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ nhân dân hơn 941 triệu đồng, nguồn ngân sách của thị xã An Khê trên 1,7 tỷ đồng, vốn Chương trình 135 là 46 triệu đồng và xã Tú An hỗ trợ 70 triệu đồng. Người dân trong làng cũng tự nguyện hiến trên 1.560 m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng. Đến nay, xã Tú An đã thu hồi 2,46 ha đất để mở rộng khu dân cư và các tuyến đường nội làng Pơ Nang; đổ đất cấp phối, san lu nền tuyến đường Đ1 và Đ2 với chiều dài 1.083 m; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 97 m2; di dời và xây mới 29 căn nhà cho các hộ dân về nơi ở mới; trồng 403 cây ăn quả, 100 cây cau và hơn 600 m đường hoa. Xã cũng đang triển khai xây dựng các nhà vệ sinh, bể chứa nước cho các hộ dân, san nền sân bóng rộng 2.000 m2 làm nơi vui chơi, tập thể dục thể thao của nhân dân...        
Bí thư Đảng ủy xã Tú An cho biết thêm: “Pơ Nang không chỉ là làng điểm xây dựng NTM của thị xã mà còn là mô hình để thời gian tới xã triển khai ở làng Nhoi và làng Hòa Bình”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm