Chính trị

Hồi ức bi hùng về Trại giam tù binh Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hội thảo khoa học về Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) do UBND phường Thống Nhất (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức sáng 21-11 đã trở thành một cuộc gặp gỡ xúc động với bao hồi ức bi hùng của các cựu tù trong kháng chiến chống Mỹ.

Hồi ức bi hùng

Tại Pleiku hiện còn lưu lại dấu tích của 2 địa điểm từng là nơi giam giữ, tra tấn nhiều chiến sĩ cách mạng, gồm Nhà lao Pleiku (đường Thống Nhất, phường Diên Hồng) và Trại giam tù binh Pleiku (đường Yết Kiêu, phường Thống Nhất). Từ năm 1994, Nhà lao Pleiku đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong khi đó, Trại giam tù binh Pleiku thì chưa được nhiều người biết đến. Do vậy, hội thảo lần này được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến hồ sơ di tích do UBND phường Thống Nhất xây dựng, trên cơ sở đó bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện gửi cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo quy định hiện hành.

Chủ trì hội thảo có Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung, Chủ tịch UBND phường Phạm Toàn Vinh cùng các đại biểu là đại diện Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, các nhà khoa học, lãnh đạo TP. Pleiku và nhiều nhân chứng lịch sử. Trước đó, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Duyên

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Duyên

Theo các tư liệu lịch sử, từ những năm 1965-1967, Mỹ đưa ra chiến lược Chiến tranh cục bộ hòng tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh để đè bẹp quân giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ giữa năm 1966 đến tháng 9-1967, chúng mở liên tiếp nhiều trận càn lớn, dài ngày vào các căn cứ và vùng giải phóng của ta ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi... Lúc này, ngoài các nhà tù chính trị, trại cải huấn, Mỹ-ngụy gấp rút xây thêm nhiều trại giam mới ở các vùng chiến thuật I, II, III, IV... để giam giữ tù binh, trong đó có Trại giam tù binh Pleiku.

Toàn khu vực trại giam rộng khoảng 7 ha, gồm 2 trại với 18 phòng giam, trong đó có 2 phòng dùng làm chuồng cọp. Mỗi phòng giam dài 20 m, rộng 5 m, là nơi giam giữ từ 80 đến 120 người. Các cựu tù tại đây vẫn không thể quên những hình thức tra tấn tàn độc, đến mức chết đi sống lại mà mình và đồng đội đã trải qua như: bị đánh bằng dùi cui hay đóng đinh vào đầu, đầu gối, mắt cá chân, đổ xà phòng vào miệng, tra điện…

Đến năm 1972, Trại giam tù binh Pleiku-nơi từng giam giữ hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng-kết thúc vai trò lịch sử khi toàn bộ tù binh bị chuyển hết ra Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc. Năm 2005, tại khu vực này, Đội 343 (nay là Đội K52) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khai quật hố chôn tập thể các chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn, sát hại và cất bốc, quy tập hàng trăm bộ hài cốt.

Bà Nguyễn Thị Thức (trú thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) kể về chiêu "mỹ nhân kế" để diệt ác tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Phương Duyên

Bà Nguyễn Thị Thức (trú thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) kể về chiêu "mỹ nhân kế" để diệt ác tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Phương Duyên

Ông Phan Đước-Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-hồi tưởng: Người tù tại Trại giam tù binh Pleiku ngoài việc chịu cực hình tra tấn còn ăn không no, mặc không ấm, thấp thỏm không biết mình sẽ bị thủ tiêu lúc nào.

“Làm gì có chuyện được đọc báo văn nghệ, chơi thể thao, học văn hóa… như một số hình ảnh, thước phim mà phía địch thực hiện. Đây chỉ là cách thức tuyên truyền nhằm đối phó, che đậy những hình thức tra tấn độc ác, dã man trước sự kiểm tra của các phái đoàn quốc tế”-ông Đước nói.

Cũng là Ủy viên Thường trực Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, ông Nguyễn Văn Thuận đồng tình: “Tôi là người có 7 năm, 1 ngày ở trong nhà tù đế quốc. Tôi khẳng định địch không hề có “nhã ý” mở mang tri thức cho tù cộng sản hay tổ chức đá banh đá bóng, trồng hoa cây cảnh… gì cả. Tất cả chỉ là những ký ức đau thương”.

Là nhân chứng lịch sử, bà Nguyễn Thị Thức đã vượt quãng đường xa xôi từ thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) đến với hội thảo. Cùng đi với bà có ông Huỳnh Bị-người chồng, người đồng đội cũng từng bị bắt giam tại Trại giam tù binh Pleiku. Ở tuổi ngoài 70, gương mặt vẫn phảng phất nét đẹp thời thanh xuân, bà Thức kể lại: Giữa năm 1967, lúc khoảng 19 tuổi, bà bị bắt khi hoạt động du kích tại Bình Định. Ở Trại giam tù binh Pleiku có Trương Xuân-một tên chiêu hồi làm tay sai cho địch-rất thích vẻ duyên dáng của bà Thức nên thường theo tán tỉnh.

Theo kế hoạch của tổ chức, bà dùng “mỹ nhân kế” để làm xiêu lòng tên Xuân. Khi thời cơ đến, bà Thức hẹn tên này đến nhà tắm nữ để “tâm sự”. Kế hoạch được triển khai suôn sẻ, nhưng đến phút cuối do phối hợp thiếu nhịp nhàng nên tên Xuân nhanh chân tẩu thoát. Những đòn tra tấn đổ xuống đầu bà Thức và một số nữ tù. Tuy kế sách không thành nhưng cũng từ đó phong trào đấu tranh trong nhà tù càng thêm sục sôi.

Xứng tầm di tích lịch sử cấp tỉnh

Ôn lại những câu chuyện về một giai đoạn bi hùng, đầy khí tiết cách mạng trong Trại giam tù binh Pleiku, các cựu tù đều mong mỏi “địa chỉ đỏ” này được tôn tạo và công nhận xứng tầm. Các ý kiến khác tại hội thảo cũng nhận định: Tuy thời gian tồn tại ngắn (6 năm), cơ sở vật chất đã bị phá hủy song Trại giam tù binh Pleiku mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử-văn hóa-khoa học của một di tích. Với những giá trị đó, “địa chỉ đỏ” này xứng đáng được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Nhận xét về hồ sơ di tích, ông Nguyễn Văn Thuận nói: “Đây là công trình khảo cứu rất tỉ mỉ, chi tiết, khoa học. Đáng ra phải làm từ lâu rồi”. Ông Phan Đước nêu thêm một số đề xuất nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới như: xây dựng nhà bia; trồng thêm cây xanh trong khuôn viên; di chuyển tấm bia hiện nay vào sâu bên trong để có không gian rộng thoáng, tạo thuận lợi cho người đến viếng và đảm bảo an toàn giao thông…

TS. Kim Vân nhận định di tích Trại giam tù binh Pleiku xứng đáng được đề nghị nâng hạng thành di tích cấp quốc gia. Ảnh: Phương Duyên

TS. Kim Vân nhận định di tích Trại giam tù binh Pleiku xứng đáng được đề nghị nâng hạng thành di tích cấp quốc gia. Ảnh: Phương Duyên

Ở góc nhìn của một nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đề nghị trong hồ sơ nên có thêm những mục riêng làm rõ hơn các hình thức giam cầm, tra tấn cũng như nhiều phong trào nổi bật tại Trại giam thời kỳ này như: phong trào chống chào cờ, chống xem phim phản động, chống lao dịch…; quá trình thành lập chi bộ tại trại giam, tổ chức hoạt động và đấu tranh.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, di tích này có tầm ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn. Từ đây, nhiều người tù yêu nước đã bị chuyển xuống Phú Quốc, Nha Trang... Trong số hàng ngàn tù binh đã từng sống ở Trại giam tù binh Pleiku, có nhiều tấm gương tiêu biểu. Do vậy, không chỉ mong mỏi Trại giam được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng di tích này xứng đáng được quan tâm lập hồ sơ nâng hạng lên di tích cấp quốc gia.

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm trước Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: P.D

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm trước Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: P.D

Là lần thứ 2 về thăm di tích, ông Nguyễn Kim Sơn (hiện công tác tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, con trai ông Nguyễn Kim Hùng-Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Trại giam tù binh Pleiku) xúc động bày tỏ: “Tôi rất cảm ơn địa phương đã tạo điều kiện cho tôi được về dự hội thảo, được hiểu thêm về những ngày gian khổ hy sinh cũng như tinh thần đồng đội, lòng kiên trung của các cô chú cựu tù. Nếu sau này Trại giam được công nhận là di tích cấp tỉnh, xa hơn nữa là nâng hạng thành di tích cấp quốc gia thì sẽ ngày càng lan tỏa ý nghĩa giáo dục truyền thống đến thế hệ trẻ”.

Ông Phạm Toàn Vinh-Chủ tịch UBND phường Thống Nhất-khẳng định: Đảng ủy, UBND phường sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ di tích và trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất. Trân trọng giá trị, ý nghĩa lịch sử của Trại giam tù binh Pleiku, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cũng cho biết: Sau khi hồ sơ hoàn thiện, Sở sẽ nhanh chóng tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, công nhận Trại giam tù binh Pleiku là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm