Thời sự - Sự kiện

Cần sớm công nhận Trại giam tù binh Pleiku là di tích lịch sử cấp tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 21-11, UBND phường Thống Nhất (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội thảo khoa học Di tích lịch sử Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến hồ sơ di tích do phường xây dựng. Đây là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, công nhận Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) là di tích lịch sử cấp tỉnh theo quy định hiện hành.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lam Nguyên

Chủ trì hội thảo có Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung, Chủ tịch UBND phường Phạm Toàn Vinh cùng sự tham dự của các đại biểu là đại diện Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai, các nhà khoa học, lãnh đạo TP. Pleiku và nhiều nhân chứng lịch sử. Trước đó, các đại biểu cùng dâng hoa, dâng hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku.

Theo các tư liệu lịch sử, từ những năm 1965-1967, Mỹ đưa ra chiến lược Chiến tranh cục bộ hòng tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh để đè bẹp quân giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ giữa năm 1966 đến tháng 9-1967, chúng mở liên tiếp nhiều trận càn lớn, dài ngày vào các căn cứ và vùng giải phóng của ta ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi...Lúc này, ngoài các nhà tù chính trị, trại cải huấn, Mỹ-ngụy gấp rút xây thêm nhiều trại giam mới ở các vùng chiến thuật I, II, III, IV... để giam giữ tù binh, trong đó có Trại giam tù binh Pleiku.

Toàn khu vực trại giam rộng khoảng 7 ha, gồm 2 trại với 18 phòng giam (trong đó có 2 phòng dùng làm chuồng cọp). Mỗi phòng giam dài 20 m, rộng 5 m, là nơi giam giữ từ 80 đến 120 người. Đến năm 1972, Trại giam tù binh Pleiku-nơi từng giam giữ hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng-kết thúc vai trò lịch sử khi toàn bộ tù binh bị chuyển hết ra Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc. Năm 2005, tại khu vực này, Đội 343 (nay là Đội K52) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khai quật hố chôn tập thể các chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn, sát hại và cất bốc, quy tập hàng trăm bộ hài cốt.

Bà Nguyễn Thị Thức (trú thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) kể về những ngày bị giam cầm tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Lam Nguyên

Bà Nguyễn Thị Thức (trú thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) kể về những ngày bị giam cầm tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Lam Nguyên

Đến nay, tuy dấu tích xưa không còn nữa nhưng các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định Trại giam tù binh Pleiku mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử-văn hóa-khoa học của một di tích. Với những giá trị đó, “địa chỉ đỏ” này xứng đáng được công nhận là di tích cấp tỉnh. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều phương án bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phạm Toàn Vinh-Chủ tịch UBND phường Thống Nhất khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ di tích và trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất nhằm công nhận Trại giam tù binh Pleiku là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm