Giáo dục

Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học gắn với chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và mạng xã hội như hiện nay, độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi đã và đang tiếp cận việc đọc sách qua nhiều cách thức với nhiều hướng tương tác.

Để phát triển và lan tỏa văn hóa đọc hiệu quả ở các trường học, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, nhà trường tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với từng độ tuổi học sinh, nhằm từng bước hình thành và duy trì thói quen, đam mê đọc sách trong các em.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa đọc với nhiều hoạt động hấp dẫn đến với đông đảo học sinh, hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày.

Xu hướng phát triển tất yếu

Nằm trong xu hướng phát triển chung, văn hóa đọc hiện nay chịu không ít ảnh hưởng sự tác động từ công nghệ số. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Sau khi các văn bản quy định, hướng dẫn được ban hành, tỉnh Gia Lai đã xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: Kế hoạch số 1097/KH-UBND, ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh, về thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu 85% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện; 20-25% người dân được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành; 45-50% người dân có kỹ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, duy trì 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; phấn đấu trung bình mỗi người dân đọc 4 cuốn sách/năm, số người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 750 ngàn lượt/năm; duy trì 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định…

Tuy nhiên, để văn hóa đọc phát triển chiều sâu, đạt hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn là trăn trở.

Đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 với trên 90% hộ gia đình, cơ quan, trường học và người dân có đường internet cáp quang băng rộng và sử dụng điện thoại thông minh, nếu được tận dụng và khai thác các ưu thế về công nghệ sẽ là chìa khóa quan trọng góp phần duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) trong buổi đọc sách. Ảnh: Thu Hằng

Học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) trong buổi đọc sách. Ảnh: Thu Hằng

Lan tỏa văn hóa đọc tại các trường học

Có thể nói, trường học là nơi kết nối, phát triển văn hóa đọc một cách toàn diện nhất. Trong môi trường học đường, văn hóa đọc rất cần thiết với học sinh, giúp các em phát triển ngôn ngữ, bồi dưỡng tâm hồn phong phú, tình yêu con người, yêu cuộc sống, biết đánh giá đúng sai theo chuẩn mực đạo đức và có thêm nhiều vốn sống.

Trong thời đại số 4.0, cùng với phương thức đọc sách truyền thống, việc khai thác, tận dụng công nghệ đã đem lại hiệu quả tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao tỷ lệ đọc sách trong học sinh. Với mô hình này, hệ thống thư viện của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được trang bị hệ thống máy tính kết nối Internet phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu cho người đọc.

Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) tổ chức chuyên đề về đọc sách. Ảnh: T.H

Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku) tổ chức chuyên đề về đọc sách. Ảnh: T.H

Để lan tỏa văn hóa đọc, nhiều trường học đã tổ chức các hoạt động liên quan đến đọc sách như: Mỗi tuần một cuốn sách; Đọc và làm theo sách; Đọc sách truyền cảm hứng; Những cuộc thi đọc truyện hay giới thiệu những cuốn sách; sân khấu hóa các tác phẩm có giá trị, hoạt động vẽ tranh minh họa cho bìa sách em yêu;,...

Điều này giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều cuốn sách và phát triển kỹ năng tư duy, sáng tạo. Bên cạnh đó, mỗi lớp học đều xây dựng tủ sách, góc đọc sách trong từng lớp học để khuyến khích học sinh đọc trong những thời gian nghỉ ngơi cũng là một cách hiệu quả để giới thiệu sách đến các em học sinh.

Đọc sách thông qua nền tảng số hay đọc theo cách truyền thống đều là cần thiết đối với mỗi học sinh. Mỗi đơn vị trường học nói chung và cá nhân học sinh nói riêng cần khai thác ứng dụng nền tảng số thành công cụ tích cực để lan tỏa văn hóa đọc, từng bước truyền cảm hứng đọc sách, góp phần để văn hóa đọc tiếp tục được lan tỏa, phát triển mạnh mẽ.

Có thể bạn quan tâm