Thời sự - Sự kiện

Khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-9, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai nhằm triển khai khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh.

Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học làm trưởng đoàn. Làm việc với đoàn công tác có ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo Phòng Dân tộc các huyện, thị xã trong tỉnh.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đồng Lai
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đồng Lai

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cho biết: Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn thứ 2 cả nước. Tuy nhiên, địa hình bị chia cắt mạnh gây khó khăn cho vấn đề mở rộng quy mô trường lớp và hoạt động đi lại của giáo viên, học sinh. Dân số cả tỉnh hiện có trên 1,54 triệu người, trong đó tỷ lệ người DTTS chiếm khoảng 46%.

Trong những năm qua, tỉnh đã và đang triển khai các cơ chế, chính sách, đề án, dự án về giáo dục gắn với đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao là người DTTS trong các ngành/ nhóm ngành/ lĩnh vực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa đồng đều giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, đặc biệt là hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS tại tỉnh như: Cần giải quyết vướng mắc về một số quy định hiện nay; ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp thuộc vùng DTTS; trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn bất cập nhất định, bởi quy định của Nhà nước đang chú ý đến điều kiện, chưa bao quát hết đối tượng thụ hưởng; Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường nội trú, bán trú có học sinh dân tộc thiểu số...

Các thành viên đoàn khảo sát cũng đã thảo luận, trao đổi về vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực người DTTS, nhất là nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số vấn đề về bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc 5 nhóm, ngành: sức khỏe, công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp và đào tạo giáo viên tại Gia Lai theo Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đồng Lai
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đồng Lai

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Đó là những tiền đề, cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS một cách tốt nhất và trình Chính phủ nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Lê Duy Định mong muốn Trung ương quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực phân bổ cho tỉnh triển khai thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS, góp phần đào tạo nguồn cán bộ, nâng cao dân trí, ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Có thể bạn quan tâm