Quan tâm phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà nhấn mạnh: Chất lượng GD-ĐT tại những vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn giữ vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội chung cho toàn tỉnh. Do đó, đầu tư cho giáo dục vùng khó từ cơ sở vật chất đến con người cần được chú trọng.
Xây dựng mô hình giáo dục hiệu quả
Hiện toàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 25 trường phổ thông dân tộc bán trú và 222 trung tâm học tập cộng đồng. Bên cạnh đó, những địa phương không đáp ứng đủ quy định để mở trường, lớp phổ thông dân tộc bán trú của Bộ GD-ĐT vẫn có những cách làm hay, mở ra mô hình bán trú phù hợp điều kiện địa phương, mang lại lợi ích cho hàng ngàn học sinh. Điển hình như UBND huyện Phú Thiện trong 2 năm qua đã huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể để chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh vùng khó khăn. Mô hình giáo dục này hiện đã được ngành GD-ĐT tổ chức hội nghị nhân rộng ra toàn tỉnh.
Giáo dục dân tộc đang được đầu tư trang-thiết bị hiện đại. Ảnh: N.G
Giáo dục dân tộc đang được đầu tư trang-thiết bị hiện đại. Ảnh: N.G
Bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện-cho biết: “Với sự quan tâm sâu sát của UBND huyện, mô hình bán trú phù hợp điều kiện địa phương đã hỗ trợ ngành GD-ĐT rất nhiều trong công tác tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh, từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số. Sau 2 năm triển khai, chúng tôi ghi nhận sự tích cực, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong việc huy động nguồn lực giúp các trường duy trì bữa ăn bán trú ngay từ đầu năm học”.
Cũng chọn cách làm này để áp dụng cho những khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn của huyện, Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang đã thành công trong việc đưa học sinh của làng Đê Btưk (xã Đak Jơ Ta) đến ăn, ở tại Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta (xã Đak Jơ Ta). Thầy Nguyễn Văn Thuật-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta-cho biết: “Trước đây, với học sinh làng Đê Btưk, nhà trường chỉ duy trì được khoảng 60% tỷ lệ chuyên cần dù đã rất nỗ lực vận động các em ra lớp. Nhưng từ khi được đầu tư mô hình học tập bán trú dành cho học sinh làng đặc biệt khó khăn này, tình hình đã khác. Sau hơn 1 năm triển khai, chúng tôi vui mừng nhận thấy các em đã trở nên yêu thích việc học và tiến bộ hơn rất nhiều”.
Nâng số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia
Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT: “Nâng cao chất lượng giáo dục tại những vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra nhiều điểm sáng trong các phong trào thi đua. Đó là cơ sở để chúng tôi nêu gương, nhân rộng điển hình trong toàn ngành, từng bước rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục giữa giáo dục vùng khó với các vùng thuận lợi”.

Để hỗ trợ các mô hình giáo dục phát huy hết hiệu quả, các địa phương cũng đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Trong kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2018, nhiều huyện vùng khó đã đạt và vượt chỉ tiêu như: Krông Pa, Kông Chro, Ia Pa, Chư Pưh, Kbang... Toàn tỉnh hiện có 316/788 trường học đạt chuẩn quốc gia theo hướng bền vững, thực chất, mang lại lợi ích thực sự cho người học. Càng ý nghĩa hơn khi công tác này đang được đẩy mạnh tại các huyện vùng khó.
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ-nói: “Từ trước tới nay, chúng tôi luôn ưu tiên phần lớn nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất tại địa phương để đầu tư cho giáo dục. Đến nay, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh tại xã đạt 99% và phấn đấu đạt 100% trong năm học tới. 2 trong số 4 trường học trên địa bàn xã đang trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tôi cho rằng, với những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, dân trí thấp thì việc đầu tư cho giáo dục để từng bước nâng cao nhận thức, dân trí của từng thế hệ là rất quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai”.
đầu tư cho giáo dục vùng khó từ cơ sở vật chất đến con người cần được chú trọng. Ảnh: M.Thi
Đầu tư cho giáo dục vùng khó từ cơ sở vật chất đến con người cần được chú trọng. Ảnh: M.Thi
Trao đổi thêm về công tác đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại các vùng khó khăn trong giai đoạn 2019-2020, ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT-nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi chỉ đạo các phòng GD-ĐT làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho giáo dục. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu công nhận mới 51 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; duy trì bền vững và nâng cao chất lượng 100% các trường đã đạt chuẩn ở các giai đoạn trước”.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm