Quan tâm tạo việc làm cho người khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người sinh ra không may mắn khi bị mù đôi mắt, nhưng bằng nghị lực, họ đã vượt qua bóng tối, cố gắng lao động sản xuất để tự nuôi sống bản thân, tự tin trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, họ đã “bén duyên” nghề tẩm quất và có thu nhập ổn định.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 851 người mù 2 mắt, trong đó có 186 người thuộc diện hộ nghèo, 41 người hộ cận nghèo. Những năm qua, Hội Người mù tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội... từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình người mù. Trong đó, tẩm quất là một công việc phù hợp với người khiếm thị, giúp họ được tham gia lao động bằng chính đôi bàn tay của mình.
Anh Trương Ngọc Chinh (SN 1987, phường An Bình, thị xã An Khê) đang làm dịch vụ tẩm quất tại cơ sở Hội Người mù (67B Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), thổ lộ: “Thông qua giới thiệu của Hội, tôi được tham gia học khóa đào tạo nghề tẩm quất, xoa bóp của người mù tại TP. Quy Nhơn. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi được nhận về làm việc tại cơ sở của Hội đến nay đã hơn 3 năm. Từ khi bị hỏng mắt năm 12 tuổi, tôi không thể đến trường được nữa, chỉ ở nhà, mọi sinh hoạt hàng ngày phải nhờ vào gia đình. Khi được làm việc tại đây, tôi đã có thể tự nuôi sống bản thân. Ngoài làm việc tại cơ sở của Hội, tôi còn truyền nghề tẩm quất cho các hội viên khác. Giờ đây, dù bị khiếm thị nhưng tôi vẫn phụ giúp gia đình, nuôi con ăn học”. 
Cơ sở tẩm quất của Hội người mù tỉnh giúp nhiều hội viên có thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Phương
Cơ sở tẩm quất của Hội người mù tỉnh giúp nhiều hội viên có thu nhập ổn định. Ảnh: Hà Phương
Cùng chung cảnh ngộ, anh Rơ Mah Thơm (xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) sinh ra trong gia đình có 4 anh em, bố mẹ mất sớm, anh nỗ lực để không trở thành gánh nặng của gia đình. Năm 2014, thông qua Hội Người mù giới thiệu, anh Thơm tham gia khóa đào tạo xoa bóp tẩm quất. Hiện nay, anh là một trong những người có tay nghề cao tại cơ sở xoa bóp bấm huyệt của Hội với thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng.
Anh Thơm bộc bạch: “Bị khiếm thị, chúng tôi không chỉ khó khăn trong tìm kiếm việc làm mà còn ngại giao tiếp với mọi người. Tham gia tổ chức Hội giúp chúng tôi vừa có việc làm vừa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ khó khăn với những người cùng cảnh ngộ”.
Nhằm giúp hội viên tự tạo thu nhập, nâng cao đời sống, Tỉnh hội đặc biệt quan tâm triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Ngay tại cơ sở của Hội, từ năm 2014 đến nay, Hội đã mở và duy trì dịch vụ tẩm quất, xoa bóp phục vụ sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố. Hiện, tại trụ sở Hội có 12 hội viên cùng sinh hoạt và làm dịch vụ tẩm quất hàng ngày với mức thu nhập đủ nuôi sống được bản thân.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-cho biết: “Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều khó khăn, song bằng khát vọng và ý chí, những người khiếm thị đã cố gắng vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập với xã hội. Thời gian tới, Hội sẽ tập trung mở rộng mạng lưới chăm sóc người khiếm thị; nhân rộng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả cho người khiếm thị. Cùng với phát huy sức mạnh nội lực, các cấp Hội mong muốn các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ, hỗ trợ để người khiếm thị có thêm động lực tự lập tạo dựng cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh: “Để kiếm được đồng tiền bằng nghề tẩm quất đối với người khiếm thị không phải dễ dàng. Nếu người không có sức khỏe, đôi tay không khéo léo để sờ, nắn các huyệt thì khó mà làm được công việc này. Các hội viên phải trải qua 3 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản. Ngoài ra, trong quá trình làm nghề, họ còn phải thường xuyên rèn luyện thêm để tay nghề dần được nâng cao”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm