Thời sự - Bình luận

Quan tâm tuyển dụng sinh viên dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, việc đảm bảo tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) trong tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý được cấp ủy và chính quyền các địa phương quan tâm. Cơ chế ưu tiên, tạo động lực đã khuyến khích người có trình độ phát huy năng lực, qua đó, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số địa phương vẫn còn thực trạng sinh viên DTTS ra trường khó tìm được việc làm.
Gần đây nhất, tại hội nghị tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 3 của tỉnh vào sáng 12-5, ông Siu Raih (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) nêu thực trạng nhiều sinh viên DTTS tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học không có việc làm. Theo cử tri này, chỉ riêng tại địa bàn xã đã có trên 10 trường hợp như vậy. Ông Raih mong muốn các đại biểu trúng cử đề đạt chính sách tuyển dụng dành cho sinh viên DTTS vùng sâu, vùng xa sau khi ra trường và giải quyết việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. 
Liên quan đến nội dung này, tháng 10-2019, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát về việc thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh”. Báo cáo giám sát ghi nhận: Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác cán bộ người DTTS. Đặc biệt, sau khi Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 280/KH-UBND ngày 19-1-2017 triển khai thực hiện Đề án.
Cử tri Siu Raih (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đề xuất cần có chính sách xét tuyển đối với sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học để giải quyết việc làm phù hợp. Ảnh: Lam Nguyên
Cử tri Siu Raih (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đề xuất cần có chính sách xét tuyển đối với sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học để giải quyết việc làm phù hợp. Ảnh: Lam Nguyên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng ghi nhận những tồn tại như: số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chủ yếu tập trung ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, còn tỷ lệ trong các cơ quan hành chính nhà nước thì chưa tương xứng với kế hoạch đề ra; nhiều sinh viên DTTS có trình độ đại học, cao đẳng chưa được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước… Nguyên nhân khách quan là do nhiều sinh viên DTTS có trình độ đại học, cao đẳng nhưng ngành được đào tạo không phù hợp với vị trí tuyển dụng hoặc tham gia thi tuyển không đạt; chỉ tiêu biên chế, nhu cầu vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đang phải thực hiện tinh giản biên chế đạt 10% (giai đoạn 2015-2021). Do đó, việc giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm công tác tạo nguồn, quy hoạch, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; việc vận dụng kiến thức, lý luận được đào tạo, bồi dưỡng vào thực tế công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn hạn chế. 

Để giải quyết thực trạng nêu trên, đoàn giám sát đã kiến nghị Trung ương cần có quy định khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn vùng DTTS tuyển dụng, tiếp nhận học sinh, sinh viên DTTS tốt nghiệp các trường đào tạo, dạy nghề để tạo điều kiện cho các em có việc làm. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức, viên chức, Trung ương cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, cũng như quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm biên chế của từng cơ quan, đơn vị để tuyển riêng người DTTS. Đoàn giám sát cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện tốt Đề án “Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh”; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị chưa đạt tỷ lệ phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS theo kế hoạch quan tâm xem xét, tuyển dụng. 
Việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là cần thiết bởi đây là lực lượng thường xuyên sâu sát với cơ sở, góp phần tạo những chuyển biến quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Tất nhiên, yếu tố luôn được đề cao trong mọi vị trí việc làm là năng lực và tinh thần trách nhiệm. Để “đón đầu” cơ hội dành riêng cho mình, thiết nghĩ, học sinh, sinh viên DTTS cần nỗ lực và chủ động học hỏi, rèn luyện nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ, từ đó đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Mặt khác, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan chú trọng hơn nữa công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cũng như tư vấn chuyên ngành phù hợp với nhu cầu xã hội cho học sinh, sinh viên DTTS. Một khi làm được điều đó, cơ hội việc làm của lực lượng này sẽ rộng mở, qua đó khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò của họ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau khi được tuyển dụng. Khi đó sẽ là “việc tìm người” chứ không phải tình trạng “người tìm việc” như hiện nay.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm