Kinh tế

Doanh nghiệp

Quảng bá sản phẩm đặc trưng trên môi trường mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 29-10 đến 29-11, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Onnet tổ chức triển lãm thực tế ảo Internet Expo. Tại triển lãm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Gia Lai) giới thiệu 13 sản phẩm đặc trưng. Đây được xem là bước ngoặt trong chuyển đổi số đối với công tác xúc tiến thương mại của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Vũ Minh Phát (thị xã An Khê). Ảnh: Vũ Thảo

Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-cho biết: Đây là lần đầu tiên Trung tâm phối hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên môi trường mạng. Trước đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ yếu quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo phương thức truyền thống. Khi xảy ra dịch Covid-19, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, mở rộng kênh phân phối. Do đó, khi tham gia các sàn thương mại điện tử và gian hàng triển lãm thực tế ảo, các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ về quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, từ đó có cơ hội tìm kiếm được nhiều nhà phân phối.

Năm nay, Gia Lai có 13 sản phẩm tham gia gian hàng triển lãm. Các sản phẩm tham gia lần này đều là những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và OCOP đạt 4 sao được trưng bày trên nền tảng công nghệ 3D. Đây là nơi để các đơn vị sản xuất bán sản phẩm thông qua hình thức giao thương trực tuyến, livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm với MC ảo và nhiều giải pháp mà công nghệ đem đến, từ đó giảm thiểu chi phí trong hoạt động. Qua gần 1 tháng triển khai đã có nhiều nhà phân phối vào xem và kết nối. Đặc biệt, sản phẩm cà phê hòa tan vị dừa của Lamant Cafe đang được các đối tác Nga quan tâm để đưa vào hệ thống phân phối cho cộng đồng người Việt sinh sống tại Liên bang Nga.

Bà Trần Thị Lan Anh-Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Lamant (TP. Pleiku) chia sẻ: Sản phẩm cà phê hòa tan của Công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nga trong năm nay. Tuy nhiên, sản lượng chưa nhiều. Vì vậy, khi tham gia triển lãm thực tế ảo Internet Expo, sản phẩm được các đối tác Nga quan tâm. Không những vậy, triển lãm sẽ là cơ hội để chúng tôi tiếp cận thêm nhiều thị trường tiềm năng, từ đó có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trong thời gian tới.

Xúc tiến thương mại trên nền tảng số sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng. Ảnh: Vũ Thảo


Không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng, gian hàng còn tạo ra một không gian kinh doanh hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho đơn vị. Ông Đường Quang Vũ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vũ Minh Phát (thị xã An Khê) cho hay: “Công ty hiện có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là trà gai leo và trà gừng được tiêu thụ khá tốt qua kênh bán hàng truyền thống. Hiện sản phẩm đã có mặt tại hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng với hệ thống đại lý của một số công ty dược. Được chọn để tham gia quảng bá, giới thiệu 2 sản phẩm trên môi trường mạng sẽ là cơ hội tốt để chúng tôi có thể đẩy mạnh thị trường online”.

Tương tự, bà Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) chia sẻ: Việc tham gia quảng bá sản phẩm tại gian hàng trực tuyến trên nền tảng công nghệ 3D chắc chắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Bởi khi được quảng bá sản phẩm qua môi trường mạng sẽ có nhiều khách hàng biết đến.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì xu hướng tiêu thụ qua kênh online được coi là bước đi kịp thời và tiết kiệm tối đa chi phí. Thời gian tới, Trung tâm sẽ lần lượt chọn thêm sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để quảng bá tại triển lãm.


 

 VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm