(GLO)- Khoảng 3 năm nay, cứ vào mùa nước hồ thủy lợi Thái Xuân (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) dâng cao, hàng ngàn con chim cốc đen lại tụ tập về kiếm ăn.
Hồ Thái Xuân được xây dựng vào năm 2000, có diện tích lưu vực 18 km2, dung tích hơn 11 triệu m3 nước, trải dài qua 3 xã Tam Thạnh, Tam Hiệp, Tam Anh Nam. Quanh hồ là đồi cây keo tràm, lòng hồ có nhiều loài cá, tôm... sinh sống. Hồ cung cấp nước tưới gần 500 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho công nghiệp, dân sinh.
Từng đàn chim cốc bay lượn trên mặt nước kiếm thức ăn. Ảnh nguồn Vnexpress |
Những năm gần đây, nhằm khôi phục lại nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ, chính quyền huyện Núi Thành đã thả nhiều loại cá xuống hồ. Điều đó đã thu hút lượng lớn chim cốc đen tìm về kiếm ăn.
Chim cốc đen còn gọi là cồng cộc, tên khoa học Pharacrocorax niger, thức ăn chính là cá nhỏ, tôm, cua. Cốc đen thường sống ở vùng đồng bằng từ Bắc tới Nam, hiện chỉ còn ở Nam Bộ. Chim thường làm tổ ở các sân chim của đồng bằng sông Cửu Long. Mùa sinh sản từ tháng 5-9. Con trưởng thành nặng 0,5 kg.
Trao đổi với Vnexpress, Tiến sĩ Ngô Xuân Tường-Trưởng phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật-cho biết: Cốc đen là một trong những loài chim cấu thành chính các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có giá trị cho nghiên cứu sinh học, sinh thái của các loài chim làm tổ tập đoàn cũng như phục vụ tham quan du lịch sinh thái.
Việc đàn chim sinh sống ở hồ thủy lợi Thái Xuân là rất đáng quan tâm. "Có thể do biến đổi khí hậu, môi trường sống và nguồn thức ăn bị suy giảm dẫn tới cốc đen phải di cư đến nơi khác phù hợp hơn"-Tiến sĩ Ngô Xuân Tường nói.
PHƯƠNG VI(tổng hợp)