Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Quảng Ngãi: Hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị ứng phó với tình hình động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với tình hình động đất ảnh hưởng đến địa phương.

Ngày 30.7, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về việc chủ động ứng phó với tình hình động đất ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.

Tường nhà một người dân ở xã Sơn Dung (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) bị nứt toác do ảnh hưởng động đất vào ngày 28.7 ở Kon Tum. Ảnh CTV

Tường nhà một người dân ở xã Sơn Dung (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) bị nứt toác do ảnh hưởng động đất vào ngày 28.7 ở Kon Tum. Ảnh CTV

Theo Viện Vật lý địa cầu, trong 2 ngày 28 - 29.7 liên tục xảy ra nhiều trận động đất tại H.Kon Plông (Kon Tum), địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 ngày 28.7 có cường độ 5.0 độ Richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và vùng lân cận. Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực, dư chấn của động đất này đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhất là người dân tại các huyện miền núi gần khu vực tâm chấn như: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thông tin kịp thời về động đất và dư chấn; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với người dân tại các huyện miền núi và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị hư hại nặng không đảm bảo an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại nếu có.

Chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu đơn vị quản lý, chủ công trình theo dõi chặt chẽ công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông nhằm chủ động phát hiện biểu hiện nguy hiểm đến an toàn công trình để xử lý, ứng phó kịp thời.

Trụ sở Trung tâm Y tế H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) bị nứt nhiều điểm do ảnh hưởng động đất ở Kon Tum. Ảnh CTV

Trụ sở Trung tâm Y tế H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) bị nứt nhiều điểm do ảnh hưởng động đất ở Kon Tum. Ảnh CTV

Người dân ở H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, địa phương giáp ranh với H.Kon Plông nên mỗi lần động đất ở Kon Plông là ở đây đều cảm nhận được sự rung chấn. Trận động đất ngày 28.7 là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay. Khi rung lắc xảy ra, mọi người đang ở nhà hoảng sợ chạy ra ngoài. Nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình bị rơi xuống đất.

Như Thanh Niên đã thông tin, trong 2 ngày 28 - 29.7, khu vực H.Kon Plông (Kon Tum) có 46 trận động đất. Riêng ngày 28.7 có 21 trận động đất, trong đó trận lớn nhất có cường độ 5 độ Richter xảy ra lúc 11 giờ 35. Đây cũng là trận động đất lớn nhất ở Kon Tum từ trước đến nay. Ngày 29.7 có 25 trận động đất, phần lớn các trận động đất xảy ra trong ngày có độ lớn từ 2,5 đến dưới 3 độ Richter.

Động đất xảy ra trên địa bàn Kon Tum khiến một số nhà dân bị hư hỏng tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường mầm non bị nứt toác.

Có thể bạn quan tâm