Thời sự - Bình luận

Quay cuồng trong cơn sốt đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cò, với tin giả, thổi giá, lũng loạn... đang được cho là những thủ phạm gây sốt đất. Nhưng cơn sốt và tình trạng tiền ào ạt đổ vào đất không phải chỉ từ cò.

Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Đình Trọng
Một điểm giao dịch mua bán đất trong những ngày sốt đất ở xã Tân Lợi và An Khương (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Đình Trọng
Ở Hoà Trị, Phú Hoà, Phú Yên, nông dân đang rủ nhau... bán ruộng khi giá đất liên tục được đẩy lên 120, 130 rồi 140 triệu đồng/sào. Nguyên nhân: Nghe nói khu ấy quy hoạch khu đô thị.
Tại Hà Nội, ở các quận huyện Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng..., giá đất đang tăng đột biến. Chẳng hạn Xuân Canh, Đông Anh, giá từ 15 triệu đến 17 triệu đồng/m2, nay được chào gấp đôi. Nguyên nhân: Hà Nội sắp công bố Quy hoạch sông Hồng.
Ở Hoài Đức, giá đất tăng từng ngày khi huyện ngoại thành này “sắp lên quận”.
Ở... khắp nơi, đất đang sốt từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã mô tả toàn cảnh thị trường trong chỉ vài câu thế này: Sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, 10% sau 1 tháng. Có nơi tăng giá 2-3 lần trong 1-2 tháng. Và dân thì bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng rút ra để đầu tư.
Cả xã hội quay cuồng vì đất. Cò xuất hiện khắp nơi. Dân đổ xô mua đất, đổ xô bán đất.
Đã đành là do quy hoạch. Đã đành là do cò mà trường hợp Bình Phước, giá đất tăng chóng mặt ngay khi sân bay Bình Phước mới chỉ trên giấy là một ví dụ. Nhưng cò chỉ là một nguyên nhân.
Lạm phát tháng 2.2021 đã tăng cao nhất 8 năm gần đây, trong khi đó, lãi suất tiền gửi thấp đến mức gửi tiền vào ngân hàng là lỗ.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, chính việc hạ lãi suất huy động hướng dòng tiền sang các kênh đầu cơ tài sản chứ không đi vào sản xuất.
Cơn sốt đất đang làm méo mó thị trường, và tai hại hơn, dòng tiền đổ vào đất đã thu hẹp nguồn vốn cho sản xuất.
Chúng ta vẫn đổ lỗi cho cò. Các biện pháp, vì thế, cũng hướng tới việc chấn chỉnh nạn đầu cơ, thổi giá, tung tin giả lũng loạn thị trường… Nhưng nếu không nhìn chính xác nguyên nhân sâu xa từ dòng tiền thì sẽ không thể khắc phục được.
TS Phạm Thế Anh cho rằng, “phải hướng về giải pháp hạ lãi suất cho vay chứ không phải hạ lãi suất huy động. (Bởi) Nếu cứ tiếp tục bơm tiền và hạ lãi suất thì dòng tiền còn tiếp tục chạy sang các kênh đầu cơ tài sản”.
Nếu chỉ đổ lỗi cho cò, cho dân không chịu đầu tư vào sản xuất thật ra là cách dễ nhất. Nhưng chẳng giải quyết được gì.
Bởi người dân, luôn chịu trách nhiệm vô hạn với tiền bạc, tài sản với các quyết định đầu tư của mình. Sốt đất, hay việc dòng tiền đổ vào vàng, vào đất mà không vào sản xuất vì thế cũng không thể là lỗi của dân được.
ĐÀO TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/quay-cuong-trong-con-sot-dat-891737.ldo

Có thể bạn quan tâm