Phóng sự - Ký sự

Quê nhà "bay" ngang trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đôi lúc ra đi con người ta chỉ nhớ về quê chốn qua những hình bóng đơn sơ. Silhouette chính là những chỉ dấu thân thương cô tịch ấy. Khen nó giản dị cũng được mà bảo rằng ấy là sự sang trọng tinh túy cũng đúng. Hình như nó là những “giọt  xứ sở”.

Con người cố tình chọn những đắc địa, hay điểm cao lý tưởng nhất để khai sinh ra nó. Tác phẩm kiến trúc này từ đó ngự trị nơi một đỉnh núi, một đồi cao, mà ở đấy nhìn thấy toàn bộ cái mênh mông của xứ sở. Nơi đồng bằng phẳng trơn thường khó có được Silhouette, nếu có cũng chỉ tạo ra được một công trình cao to tâm điểm cho một khu vực nhỏ hẹp chứ không thể tích hợp toàn bộ để trở thành “chỉ dấu tinh tế” của xứ sở mà đứng đâu cũng nhìn thấy được. Vì vậy, Silhouette là cú nhấn của nghệ thuật kiến trúc được sáng tạo độc đáo, băng qua thời gian, đủng đỉnh hình thành nên “văn hóa”. Silhouette ngời ngời, cô đơn trong kiêu hãnh, cô đơn có chủ ý, sáng tạo. Không thuộc sáng tạo của thiên nhiên, nhưng hòa vào thiên nhiên. 

 

Nhà rông của người Bahnar ở Kon Tum. Ảnh: H.T

Nhô lên trên trời xanh, Silhouette nhìn xuống quê hương, nhìn thế gian, nhìn thời cuộc, nhìn lịch sử, nhìn hân hoan, nhìn buồn tủi, nhìn khổ đau… của con người dưới mặt đất kia. Cái cây tìm sự cô đơn ở trên cao, ngọn cỏ tìm hội hè ở dưới đất là chỗ này. Như hai cực giữa Thánh nhân, hiền nhân với thiên hạ ta bà.

*

Silhouette là  hồn vía xứ sở, là nơi đón những tia nắng tinh khôi đầu ngày. Bao lần lên vùng Bắc Tây Nguyên là chừng đó lần tôi sững sờ trước những mái nhà rông oai hùng, kiêu hãnh như những nhát búa chém vào trời xanh của người dân tộc bản địa. Đâm qua những cánh rừng, nơi nào nhìn thấy thứ kiến trúc ấy là biết có một buôn làng đang tồn tại phía dưới. Làng “ngồi” trên những điểm cao nhất của thung lũng, sườn núi, những nằm dưới điệp trùng của núi non. Con người miền sơn nguyên Xê Đăng, Bahnar thì hồn nhiên như cây cỏ, chỗ chui ra chui vào-nhà sàn-cũng hiền dịu như khe suối, nhưng chẳng hiểu sao từ ngàn xưa đã tạo ra cái Silhouette nhà rông kia tự nhiên và mạnh mẽ đến vậy. Có phải người ta muốn khẳng định sự hiện diện của phận loài nhỏ bé mình-con người-trước hoang dã, trước đại ngàn mênh mông?

 

“Silhouette dù là thuật ngữ nhiếp ảnh, nghĩa hẹp để chỉ các bức ảnh được chụp ngược sáng, những hình cắt bóng; nghĩa rộng để chỉ những biểu tượng tối giản về hình thể nhưng đạt hiệu quả tối đa về hiệu quả thị giác bằng cách cô đọng đường bao hình dáng vật thể, loại bỏ mọi chi tiết nằm trong và ngoài hình dáng đó. Trong kiến trúc, Silhouette chính là những công trình thanh thoát, an nhiên tọa lạc, đóng đinh vào tâm hồn, trở thành biểu tượng của một một thành phố, một làng quê…”.

Chảy theo ám ảnh về Silhouette, tôi nhớ về ngọn núi Nhạn giữa đồng bằng Tuy Hòa ở Phú Yên mướt xanh màu lúa. Cái tháp Chăm đỏ au màu đất nung ngạo nghễ đứng đấy nhìn ra biển Đông nơi điểm cuối của dòng sông Ba khởi thủy từ miền Thượng ngút ngàn xa. Người Tuy Hòa thường tự hào khi nói: “…Lên Nhạn Tháp!”. Mỗi sáng chạy lên núi Nhạn, chạm vào tháp, thay vì đứng dưới thị xã nhìn lên rồi về. Lùi vô trong một chút theo chiều dọc, là Nha Trang (Khánh Hòa) với tháp Bà Ponagar. Lùi vô chút nữa là Phan Rang, cái đô thị mọc lên giữa nắng cát và cây xương rồng này đứng hướng thuận nào đâu cũng nhìn thấy tháp Po Klong Garai, dù nó ra đời từ thế kỷ XIII. Hơn 7 thế kỷ qua đi, khi đã biến mất những quyền lực đế vương, chỉ còn lại cái Silhouette kia trơ gan cùng tuế nguyệt. Bất cứ ngôi báu nào cũng không bao giờ đủ sức thách thức thời gian và lịch sử, nhưng chiếc Silhouette này đang thách thức nắng mưa cùng bão táp ở xứ sở khắc nghiệt nhất đất nước. Cũng không thể thờ ơ với tháp chuông chùa Thiên Mụ ở Huế cũng như tháp Chàm Bánh Ít, Dương Long ở Bình Định nhìn ra bao la xứ sở.

Muốn quên cũng khó những buổi sớm mờ sương đứng ở cầu Ông Đạo hay đồi Cù ở cao nguyên Langbian (Đà Lạt, Lâm Đồng) nhìn về xa xa theo hướng Đông Nam, chợt giật thót tim vì sự lung linh như không thể có thật của ngọn tháp trường trung học Lysée Yersin soi bóng xuống Hồ Xuân Hương. Không chỉ có Tháp bút kia, Đà Lạt còn có một Silhouette song sinh nữa là tháp nhà thờ Con Gà. Đứng bất cứ vị trí nào trong 99 điểm cao ở Đà Lạt đều nhìn thấy 2 Silhouette này trồi lên từ ngọn thông, nhưng không nhòa trong màu thông của rừng, mà thanh lịch vững chãi như muốn kẻ lên trời xanh cao nguyên khát vọng trí tuệ và sự bình an của con người.

Rất nhiều người Đà Lạt ở nhà thường gửi người đi xa ảnh cái tháp bút Lycée Yersin. Không bỏ sót, một hãng rượu vang ở Đà Lạt và cũng là hàng đầu Việt Nam bây giờ, trước khi ra đời đã tóm lấy Silhouette đó làm logo để vạch đường chiếm lĩnh trái tim người uống. Rượu ngon dở không biết, nhưng cái  nhãn mác phủ lên trên chai đã thắng cảm xúc tiêu dùng. Những dấu nhấn đó là từng… “giọt” quê xứ. Một “giọt” thôi, đủ làm da diết.                          

*

Và tôi biết, thật may mắn cho vùng đất nào đó đang sở hữu một dáng hình Silhouette, bởi cái bóng dáng, tín hiệu kiến trúc này chỉ sinh thành như cuộc hôn phối giữa thiên nhiên và tài hoa trí tuệ của con người, mà ở Việt Nam hình như thi thoảng mới gặp. Ở nơi chốn mà địa lợi, thiên thời, nhà quy hoạch tốt và chính quyền có tầm nhìn xa là người biết dành chỗ cho nghệ thuật, cho văn hóa, cho những “giọt” kiến trúc đó. Nơi nào may mắn đã có Silhouette thì đừng xao nhãng, khước từ hay bỏ bê.

Người đời không cần biết tác giả Silhouette, nhưng người ta cảm nhận tình quê từ nó khi mỗi nắng mai lên, chiều tà, từ buổi mai của thiên nhiên đến buổi chiều tà của đời người. Tôi không phải người Đà Lạt, nhưng tôi sẽ nhớ về thành phố này, nếu một ngày phải chia lìa, mà ai có quất roi để không cho nhớ thì tôi chắc khó có thể đuổi xóa được cái tháp bút kia ra khỏi tâm tưởng. Cũng như không thể bảo tôi nghĩ về  Phú Yên, hay Phan Rang mà vắng chiếc Linga đầy nam tính, sức sống ngang tàng lật ngược trên ngọn đồi lộng nắng nhìn ra biển Đông mênh mông kia. Hay nghĩ về Tây Nguyên cũng không thể thiếu vắng một mái nhà rông…

Nguyễn Hàng Tình

Có thể bạn quan tâm