Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Quốc hội mời các bộ trưởng nghe kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là cơ sở để đánh giá cán bộ trong đợt lấy phiếu tín nhiệm của Đảng vào cuối năm nay. Đây cũng là một trong những căn cứ để đánh giá, bố trí, quy hoạch cán bộ.
Sáng 25-10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trước đó, Quốc hội nghe Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của các đại biểu Quôc hội ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.
Đầu giờ chiều, Ban kiểm phiếu công bố kết quả. Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để Quốc hội thông qua.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho hay phiếu dành cho từng khối sẽ có màu sắc khác nhau để thuận tiện cho việc kiểm phiếu theo từng khối. Trong mỗi lá phiếu sẽ có ba ô: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp để các ĐBQH đánh giá. Việc tổng hợp và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy.
Cũng theo vị này, Quốc hội sẽ mời tất cả bộ trưởng, trưởng ngành đến nghe công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Vị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cũng cho biết từ khi có Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đến nay, Quốc hội đã hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và 2014.
Cả hai lần này đều chưa có người được lấy phiếu tín nhiệm nào bị quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định.
Cũng chưa có trường hợp nào có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” để Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Lãnh đạo VPQH này cũng khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là cơ sở để đánh giá cán bộ trong đợt lấy phiếu tín nhiệm của Đảng vào cuối năm nay. Đây cũng là một trong những căn cứ để đánh giá, bố trí cán bộ, quy hoạch cán bộ trong thời gian tới.
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội, trước những lo ngại có hay không chuyện vận động, lobby phiếu bầu, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) khẳng định: “Đến giờ, tôi không nhận được lời mời, cũng chả ai vận động, lobby gì”.
Ông Nghĩa cũng thẳng thắn cho rằng, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm muốn vận động sẽ có nhiều cách, chứ không nhất thiết cứ phải mời mọc tiệc tùng, liên hoan. Tuy nhiên, việc Chủ tịch Quốc hội mới đây nhắc nhở đại biểu “không tiệc tùng, liên hoan” là cần thiết. Bởi thực tế, có những trường hợp đại biểu chỉ đơn thuần đi giao lưu, tiếp xúc, gặp gỡ, hoàn toàn không có mục đích nào khác nhưng ở thời điểm trước khi lấy phiếu tín nhiệm thì nên tránh, vì có thể gây hiểu lầm.
Đức Minh (PLO)

Có thể bạn quan tâm