Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Quốc khánh-Ngày của khát vọng đổi thay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 72 năm qua, cứ vào ngày này, cả dân tộc lại hân hoan kỷ niệm một sự kiện lịch sử trọng đại làm thay đổi vận mệnh của đất nước. Từ một dân tộc nô lệ, chúng ta đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Hơn 7 thập niên độc lập, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng những giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 cùng ước vọng thiêng liêng của dân tộc vẫn trường tồn với thời gian. Với ý nghĩa đó, Quốc khánh 2-9 là ngày của khát vọng độc lập, tự do.

Không phải đến ngày 2-9-1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về một nước Việt Nam độc lập thì hai từ “độc lập” mới được biết đến. Độc lập là niềm khao khát bao đời mà dân tộc Việt Nam đã không tiếc máu xương đấu tranh giành lấy. Gần một ngàn năm chịu đựng ách đô hộ của phong kiến phương Bắc là cũng chừng ấy thời gian dân tộc ta liên tục đứng lên giành quyền sống cho mình. Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung... những bậc anh hùng hào kiệt ấy sẽ mãi mãi sống cùng lịch sử oai hùng của dân tộc. Những câu nói bất hủ của họ, những áng thiên cổ hùng văn như “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo” mãi mãi là những bài học lịch sử vô giá để đổi lấy hai chữ độc lập, tự do. Trên con đường phát triển, chúng ta có thể hợp tác, học hỏi bạn bè, nhưng không thể phụ thuộc, lại càng không thể dễ dàng để ai sai khiến! Vì vậy độc lập trước hết là độc lập trong tư duy, độc lập trong việc hoạch định đường hướng đi tới tương lai cho dân tộc mình.

 

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: K.N.B
Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: K.N.B

Gần trăm năm mới thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, phát xít, khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam là được tự do. Vì vậy mà hàng triệu người con đất Việt đã lựa chọn sự hy sinh về phần mình-một sự lựa chọn phải đánh đổi bằng máu xương, bằng nước mắt đợi chờ của biết bao người vợ trẻ, biết bao mẹ già, con thơ. Đó là sự lựa chọn mang tính định mệnh nhưng lại là sự lựa chọn tự nguyện để bảo đảm rằng, quyền lựa chọn của dân tộc Việt Nam, quyền tự do của người Việt Nam là thiêng liêng và không thể bị bất cứ thế lực nào khuất phục.

Cách mạng Tháng Tám thành công, thay mặt mấy mươi triệu dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới, khẳng định tư thế của một nước Việt Nam độc lập. Bằng thực tiễn hoạt động cách mạng và tiếp thu tinh hoa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra một nhà nước mới: Nhà nước dân chủ, do dân bầu ra, vì nhân dân phục vụ. Nhà nước ấy được xây đắp bằng tài năng, trí tuệ và nhiệt tình cống hiến của tất cả những người yêu nước thương nòi, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo. Từ những trí thức phong kiến tiến bộ, thức thời như: Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn đến những trí thức Tây học như Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... đến những người công nhân, nông dân chân đất, tất cả đều chung sức chung lòng về dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tinh thần dân chủ ấy, mấy mươi năm qua không ngừng được mở rộng, khi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được hình thành theo ý chí của đại đa số nhân dân. Nhà nước ấy lấy tranh biện làm nền tảng cho nền dân chủ, biết lắng nghe lời nói thẳng của công chúng để sửa mình. Thực tiễn mấy mươi năm xây dựng đất nước cho thấy, khi người dân được công khai bày tỏ chính kiến của mình thì mọi chính sách lớn nhỏ của quốc gia đều là sản phẩm trí tuệ của tập thể. Dân chủ là cách thức chuyển giao hòa bình và hiệu quả nhất để tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. 70 năm qua, chúng ta đã phấn đấu không ngừng cho mong ước giản dị mà sâu sắc, vĩ đại ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực. Đó là quá trình thực hiện khát vọng về nền độc lập, dân chủ và bình đẳng. Bình đẳng về cơ hội cống hiến và bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân. Không phải ai cũng có thể trở thành giáo sư, tiến sĩ, nhưng đã là người Việt Nam, ai cũng có cơ hội để học hành, phấn đấu; không phải ai cũng trở thành tỷ phú, nhưng cơ hội làm giàu là của mọi người. Các rào cản về cơ hội chính là con đẻ của sự bất công. Những công dân bình đẳng trước pháp luật và về cơ hội cống hiến chính là lực lượng sáng tạo to lớn đưa đất nước ta phát triển.

Người xưa từng nói, lấy gương để soi mình có thể sửa được đầu tóc, trang phục nhưng lấy lịch sử để soi mình thì có thể học được những bài học lớn cho phát triển. Cái mới là cái chưa từng xuất hiện, nhiều khi là cái đúng đã từng bị che khuất hoặc lãng quên trong quá khứ được khôi phục. Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2-9 là dịp để chúng ta nhìn lại mình, kiên trì vận dụng những tư tưởng phát triển tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do! 

Nguyễn Vân Thiêng

Có thể bạn quan tâm