Kinh tế

Quỹ Hỗ trợ nông dân "tiếp sức" phát triển kinh tế gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được “tiếp sức” từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện, nhiều nông dân ở huyện Chư Păh có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chúng tôi đến thăm cơ sở nuôi bò vỗ béo và mổ thịt của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm (thôn 2, thị trấn Phú Hòa) khi anh đang thái cỏ trộn cùng vỏ chanh dây cho bò ăn. Anh cho hay: “Vài ngày trước, gia đình tôi vừa bán và mổ thịt gần 100 con bò. Hiện tại, tôi còn nuôi hơn 200 con bò lớn, nhỏ ở 3 địa điểm khác nhau”.

Nhờ được Quỹ HTND huyện cho vay, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm, thôn 2, thị trấn Phú Hòa mở rộng quy mô nuôi bò vỗ béo và bán thịt. Ảnh: Đinh Yến

Nhờ được Quỹ HTND huyện cho vay, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm, thôn 2, thị trấn Phú Hòa mở rộng quy mô nuôi bò vỗ béo và bán thịt. Ảnh: Đinh Yến

Anh Tâm kể, vào năm 2004, sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng anh quyết định rẽ lối nuôi bò vỗ béo. Khi ấy tài sản của vợ chồng anh chỉ mua được 4 con bò, trị giá gần 20 triệu đồng. Sau vài tháng chăm sóc, bán bò thấy có lãi nên anh chị mạnh dạn vay ngân hàng mua tiếp 11 con bò về nuôi. “Nhờ nuôi bò vỗ béo và hàng ngày mổ từ 1-2 bò thịt đổ các mối nhà hàng, bán ở chợ, với quy mô chăn nuôi hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm”-anh Tâm chia sẻ.

Tính đến ngày 30-5, Quỹ HTND huyện đang cho 206 hộ nông dân vay với tổng số 5,6 tỷ đồng để triển khai 11 dự án, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Quỹ HTND huyện không chỉ giúp hội viên nông dân trên địa bàn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tâm còn vận động các hộ chăn nuôi bò thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò do anh làm Tổ trưởng. Tổ hiện có 11 thành viên là hội viên nông dân thị trấn Phú Hòa, đang chăn nuôi hơn 500 con bò. Tổ sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, hỗ trợ nhau kinh nghiệm trong chăn nuôi. Mới đây, 10 thành viên trong Tổ được Quỹ HTND huyện cho vay tổng số 631 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng (thu phí 1 lần) để đầu tư phát triển chăn nuôi. "Từ số tiền được Quỹ HTND huyện cho vay với lãi suất thấp, tôi mua thức ăn và mở rộng thêm chuồng trại để tăng đàn"-anh Tâm bày tỏ.

Cũng là thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò, anh Nguyễn Văn Huy được Quỹ HTND huyện cho vay 63 triệu đồng. Hiện đàn bò của gia đình anh có 70-80 con. Anh chia sẻ: “Với 63 triệu đồng từ Quỹ HTND cho vay với lãi suất ưu đãi trả gốc trong 3 năm, 3 tháng trả phí (lãi/lần), tôi mua thêm bò giống, mở rộng thêm chuồng nuôi để phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Hồ Đăng Lòng (bìa phải)-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng sầu riêng xã Nghĩa Hưng bên vườn sầu riêng trồng xen cà phê. Ảnh: Hồ Long

Ông Hồ Đăng Lòng (bìa phải)-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng sầu riêng xã Nghĩa Hưng bên vườn sầu riêng trồng xen cà phê. Ảnh: Hồ Long

Năm 2023, 20/41 thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng sầu riêng xã Nghĩa Hưng cũng được Quỹ HTND huyện và Quỹ HTND tỉnh cho vay 1 tỷ đồng. Ông Hồ Đăng Lòng-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng sầu riêng xã Nghĩa Hưng là 1 trong 20 hộ được vay với số tiền 50 triệu đồng. Ông hiện có 70 gốc sầu riêng cho thu năm thứ 8 trồng xen canh với 2 ha cà phê. Năm 2023, vườn sầu riêng đem lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

“Năm 2023, với số tiền vay từ Quỹ HTND, tôi thuê nhân công cải tạo vườn, mua phân bón, thuốc. Vụ sầu riêng năm 2024, tôi ký hợp đồng với thương lái bán xô 74 ngàn đồng/kg, ước thu 4-5 tấn sầu riêng, được khoảng hơn 300 triệu đồng”-ông Lòng bộc bạch.

Theo ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh, để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội đã chủ động lựa chọn những Tổ hội nghề nghiệp, mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai, thực hiện. Đặc biệt, Hội ưu tiên tổ hội nghề nghiệp trồng những cây con mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, cà phê, bò, dê. Cùng với đó, hỗ trợ vốn vay cho những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Hội cũng thường xuyên phối hợp các ban, ngành liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. Ngoài ra, Hội còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm