Quyền lợi cho lao động tự do ở Gia Lai còn bỏ ngỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những lao động tự do như thợ hồ, lái xe, bốc vác... phải làm việc vất vả, đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng lại không có hợp đồng lao động, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Song vì gánh nặng mưu sinh, họ vẫn phải gồng mình lam lũ mỗi ngày.
Vất vả mưu sinh
Ông Nguyễn Văn Đang (thôn O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) hiện đang làm công việc lái xe, chuyên chở thuê các loại hàng hóa đi bỏ mối. Trước đây, ông theo bạn bè chạy xe đường dài, nhưng do thường xuyên thức đêm, không đảm bảo sức khỏe nên ông nghỉ việc về nhà vay mượn người thân, bạn bè mua chiếc xe tải nhỏ chở hàng thuê. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ai gọi là đi, bất kể sớm tối. Nhiều lúc chẳng găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động nhưng phải bốc xếp vài tấn phân bón lên xe chở đến đúng địa chỉ rồi lại bốc xuống. “Cuộc sống khó khăn nên tôi cố gắng làm thôi. Cũng may chưa xảy ra sự cố gì, chứ không chẳng biết xoay xở ra sao”-ông Đang tâm sự.
 Lao động tự do thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm. Ảnh: Đ.T
Lao động tự do thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm. Ảnh: Đ.T
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hữu Hải (đường Wừu, TP. Pleiku) làm thợ xây đã mười mấy năm, hầu như ngày nào cũng hít bụi xi măng, đứng trên giàn giáo chênh vênh ghép bằng những tấm gỗ tạm để xây, trát tường mà chẳng đội mũ bảo hộ lao động, không thắt dây đai an toàn, có hôm hụt chân suýt rơi xuống đất. Một lần, do bất cẩn, ông bị máy trộn bê tông va vào tay cắt lìa 2 ngón của bàn tay trái, phải vào viện cấp cứu, tốn kém mấy chục triệu đồng do không có thẻ bảo hiểm y tế. Hỏi sao không mua bảo hiểm y tế phòng thân, ông Hải cười buồn: “Làm nghề tự do, được ít tiền công ngày nào là tiêu hết ngày đó, đâu nghĩ tới chuyện mua bảo hiểm y tế”.
Còn chị Nguyễn Thị Diệu, ở nhà thuê trên đường Phùng Khắc Khoan (TP. Pleiku) làm nghề phụ hồ, chia sẻ: Làm nghề này ngày nào cũng phải tiếp xúc với khối lượng lớn gạch, cát, xi măng… và bụi nơi công trình. Hơn thế, chuyện bị gạch rơi vào người, giẫm phải đinh, đá bắn vào mắt… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Cách đây gần 1 năm, trong lúc chuyển gạch lên tầng 2, tôi bị xe rùa đè vào chân trái, bị rạn xương bàn chân. Đau đớn, mất tiền công, tiền viện phí không ai lo nên vất vả vô cùng”-chị Diệu nhớ lại. Xuất viện được 2 tuần, vết thương chưa lành hẳn, chị Diệu đã phải vội vàng trở lại công trình để mưu sinh.
Cần hoàn thiện chính sách về lao động tự do
 
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 800.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có gần 80.000 người có hợp đồng lao động, có các ràng buộc về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, những lao động tự do như ông Đang, ông Hải, chị Diệu hay nhiều lao động tự do khác thường làm việc thời vụ cho các cơ sở có nhu cầu thuê và trả công khoán hàng ngày. Họ không được người thuê ký kết hợp đồng lao động, tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh, an toàn lao động và trang bị bảo hộ như: quần áo, mũ, găng tay, giày, ủng, dây đai an toàn... Khi tai nạn lao động xảy ra, họ phải tự gánh chịu, không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm vì không có hợp đồng, không nộp bảo hiểm.
Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để mọi lao động đều được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già. Tuy nhiên, do mức đóng vẫn còn cao so với thu nhập của nhiều lao động, thời gian đóng lại kéo dài, thủ tục hồ sơ rườm rà, nhận thức của người lao động chưa đầy đủ nên nhiều người vẫn chưa tham gia. Trong khi đó, Luật Lao động (sửa đổi) mới chỉ chú trọng đến chính sách, quyền lợi cho lực lượng lao động có hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức mà chưa có những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho lao động tự do.
Xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng cần có sự thừa nhận chính thức đối với loại hình lao động tự do này, từ đó xây dựng các chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Theo đó, Nhà nước cần tạo điều kiện tối đa để họ tham gia các loại hình bảo hiểm, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động tự do... Có như vậy, lao động tự do mới được bảo vệ quyền lợi khi không may xảy ra tai nạn lao động.
Hà Tây

Có thể bạn quan tâm