(GLO)- Trong tháng 9 và 10-2018, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, ngành Y tế đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của bệnh trên địa bàn tỉnh.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh
Theo bác sĩ Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 393 ca mắc bệnh tay chân miệng và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện Ia Grai dẫn đầu số ca mắc với 95 bệnh nhân; TP. Pleiku đứng thứ 2 (91 bệnh nhân); huyện Đak Đoa đứng thứ 3 (26 bệnh nhân)... Thị xã Ayun Pa có số người mắc ít nhất với 1 trường hợp.
Đặc biệt, chỉ trong tháng 10-2018, bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh với 169 bệnh nhân. “Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính và lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng bùng phát thành dịch. Bệnh thường gia tăng theo chu kỳ 2 lần/năm, cụ thể là giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 và giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 10. Nguyên nhân là vào thời điểm này, học sinh đi học đông cộng với thời tiết chuyển mùa đã tạo điều kiện cho vi rút sinh sôi và gây bệnh. Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Y tế các địa phương xử lý bệnh, không để lây lan ra diện rộng”-bác sĩ Bắc cho hay.
Học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: N.T |
Từ tháng 9 đến nay, huyện Ia Grai được xem là điểm nóng của bệnh tay chân miệng với 95 bệnh nhân, trong đó nổi lên 2 ổ dịch là Trường Mầm non 1-5 (xã Ia Yok) và Trường Mầm non 15-5 (xã Ia Bă) với 50 trường hợp mắc bệnh. Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định đóng cửa 2 trường học này để cách ly và triển khai các biện pháp dập bệnh nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Tính riêng từ ngày 21-10 đến 29-10, huyện Ia Grai đã ghi nhận thêm 17 trẻ mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi Gia Lai, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng ở các tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2018. “Lũy tích từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thu dung và điều trị cho 134 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng. Hiện Bệnh viện còn 16 trẻ đang nằm điều trị nội trú”-bác sĩ Lý Minh Thái-Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai-cho biết.
Chủ động phòng ngừa
Dù số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh giảm 8 trường hợp so với cùng kỳ 2017 nhưng gia tăng nhanh trong tháng 9 và 10-2018 đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh các biện pháp phòng-chống bệnh tay chân miệng.
Theo đó, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế các ổ bệnh và ngăn ngừa sự lây lan. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp thêm 500 kg hóa chất Cloramin B cho 9/17 huyện, thị xã, thành phố phun và lau chùi sát khuẩn tại nơi có nguồn lây bệnh. Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏe tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng-chống bệnh tay chân miệng.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng-chống bệnh tay chân miệng. “Sở yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện việc sát khuẩn trường học; rửa tay cho học sinh bằng xà phòng; cách ly học sinh bị bệnh và báo cáo trường hợp mắc bệnh để cơ quan chức năng theo dõi. Chúng tôi cũng cử cán bộ cùng với đoàn của các sở, ngành giám sát, kiểm tra và nhắc nhở việc phòng-chống bệnh tay chân miệng tại các trường”-ông Phạm Văn Căn-Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai các hoạt động phòng-chống bệnh tay chân miệng cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hồng Thủy-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, tại trường chưa ghi nhận học sinh nào mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, nhà trường vẫn yêu cầu giáo viên chú ý rửa tay cho trẻ và lau dọn lớp học bằng hóa chất Cloramin B được cấp trước đó”. Tương tự, tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku), các giáo viên cũng đã chủ động phòng-chống bệnh cho hơn 900 trẻ. “Đầu tháng 10-2018, tại trường có 1 cháu được phát hiện mắc bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, nhà trường đã kịp thời cách ly và triển khai rửa đồ chơi, lau nhà và các đồ dùng bằng hóa chất nên không phát hiện thêm cháu nhiễm bệnh mới”-cô Trần Thị Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ.
Tại huyện Ia Grai, đến ngày 21-10-2018, Trường Mầm non 1-5 đã hoạt động trở lại và không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Bác sĩ Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai-cho biết: “Chúng tôi đang tập trung xử lý bệnh tại Trường Mầm non 15-5. Sau khi cho học sinh nghỉ học để cách ly, cán bộ y tế và giáo viên đã tổ chức phun hóa chất, lau dọn trường lớp bằng hóa chất Cloramin B. Đồ dùng học sinh cùng các chăn màn của trẻ đã được xử lý bằng cách ngâm hóa chất rồi rửa sạch bằng nước nóng và phơi nắng nhiều ngày để diệt mầm bệnh. Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn các biện pháp phòng-chống bệnh tay chân miệng cho 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế học đường ở các trường trên địa bàn huyện, đồng thời đi giám sát tại các xã để kịp thời xử lý nếu phát hiện bệnh nhân mới”.
Hoành Sơn
-------------------
Chuyên đề có sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏe tỉnh