Bạn đọc

Quỳnh Hội và ký ức Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm qua, một người chị từ Hà Nội thảng thốt gọi cho tôi: “Em ơi, Quỳnh Hội mất rồi à?”. “Ôi thế ạ, em không biết? Để em kiểm tra”. Tôi gọi ngay cho một đồng nghiệp, bạn bảo, em đang viếng anh Hội. Tôi liền nói với bạn ấy, anh không kịp viếng rồi, em giúp anh nhé, gửi hộ anh một chút viếng Hội.

Trần Minh Hội, tức Quỳnh Hội, là một cái tên gắn với ký ức Pleiku, ít nhất là khoảng 40 năm nay.

Ngay khi Đoàn Văn công Đam San từ Hà Nội trở về Tây Nguyên, ngoài những nghệ sĩ gạo cội như: Y Brơm, Ma Quang Hạ, Xuân La, Hoài Ba, H'Ben, Siu Phích... đoàn tuyển thêm một loạt diễn viên mới, đa phần là ở Pleiku. Trần Minh Hội là một trong số này. Hồi ấy, anh là nhạc công guitar, cùng lứa với Đức Hà là nhạc công trống. Rất nhiều người nhớ hình ảnh anh nhạc công gầy ngẳng nhưng chơi guitar rất máu lửa trên sân khấu của đoàn Đam San ngày ấy. Không rõ anh học nhạc ở đâu, nhưng để là nhạc công chính của đoàn thì cũng rất là ghê rồi.

Đùng cái, anh Quỳnh Hội bỏ đoàn, ra làm nghề... chụp ảnh, rồi là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai chuyên ngành nhiếp ảnh. Và cũng đùng cái, anh đưa cái mini lap đầu tiên về Pleiku. Với ảnh, anh là lính mới toe, bên cạnh những hiệu ảnh nổi tiếng thời ấy như: Tây Nguyên, Uyên và những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thành danh như: Trần Phong, Huy Tuấn, Phạm Hạc, Hữu Tài, Phạm Dực... Cả nghề làm ảnh và chụp nghệ thuật, anh đều là lính mới, nhưng mới có cách của mới để tồn tại.

Ông Trần Minh Hội lúc sinh thời (ảnh Facebook nhân vật).

Ông Trần Minh Hội lúc sinh thời (ảnh Facebook nhân vật).

Nhớ hồi ấy, khách phải xếp hàng để làm ảnh ở cái mini lap của anh. Anh giao cho vợ và thợ quản lý, còn mình thì xách máy đi chụp. Có điều, con đường ảnh nghệ thuật của anh nó không hanh thông như sự nghiệp kinh doanh thì phải. Anh cũng là người đầu tiên ở Gia Lai dẫn quân sang Lào chụp ảnh chứng minh nhân dân cho bạn. Nghe nói thời gian ấy, anh rất thân với một vị hoàng thân nên sau đấy anh qua về liên tục. Và vì thế mà sau này, khi mở quán “Nhà tôi”, trong menu có mấy món truyền thống của Lào.

Không nhậu nhiều nhưng cái thời còn bao cấp và luôn luôn đói ấy, lâu lâu, anh lại chủ trì một cuộc chiêu đãi chúng tôi. Nhớ có hôm, chiều muộn, anh “triệu tập” 5-6 anh em tới nhà, anh thồ về một... xô chân và đầu gà lấy ở quán phở Ngọc Sơn. Cái lap của anh cách phở Ngọc Sơn mấy căn nên anh hẹn, hôm nào có xương “ngon” thì gọi anh. Hỏi ngon là thế nào, bảo là ninh chưa nát, còn đủ da để gặm.

Một hôm, anh xộc ô tô tới nhà tôi, nói mời bác xuống trang trại em thăm. Ơ thế lap đâu? Em sang lại rồi, giờ làm rẫy. Lại nhớ chuyện ô tô. Lần ấy, tôi có việc xuống Chư Prông, nhưng lái xe ốm. Đang chưa biết thế nào thì đột nhiên... Hội xuất hiện. Để em lái, đang rỗi. OK tốt rồi. Thế là đi. Tới nơi thấy chàng lượn mãi mới tắt máy dừng xe. Về thì thú nhận: Lần đầu em lái xe, chưa biết lùi nên tìm chỗ đậu để sau đấy... đi thẳng luôn.

Thì lần này, anh ngon lành lái con xe đón xuống trang trại ở Ia Grai. Hồi ấy, xe cá nhân biển trắng ở Pleiku rất ít, anh em văn nghệ sĩ, báo chí lại càng không, mà Hội có cái ô tô rồi thì kinh. Tới nơi, thấy cà phê rất nhiều, có cả kho. Một con ngan (vịt Xiêm) được gia nhân vặt lông tiết canh các loại. Thấy khoái vô cùng. Ôi giời, ai nghĩ cái ông gầy còm nhom ôm guitar thuở nào giờ hoành tráng tới thế.

Chưa hết, sau đấy là... “Nhà tôi”, là cái nhà hàng Hội làm ở ngoài Trà Đa. Tưởng quán xa mà lại không xa, bởi cái thiên hướng nhà hàng gắn với thiên nhiên, nhà hàng sinh thái, nhà hàng môi trường... đang thịnh, Hội đón đường và đã đúng. Tầm 18 tới 19 giờ, ngồi ở nhà hàng này ngắm máy bay lên rất vui, vì đèn chiếu thẳng chỗ ngồi, và có một lúc máy bay như đứng im. Hội cười, bàn này em thu thêm tiền... ngắm máy bay. Gần đây, đường Tô Vĩnh Diện trở nên rất hot bởi các quán cà phê chen nhau mở với cái view là... ngắm máy bay lên xuống cực đông khách.

Một hôm, tôi nhận được tin nhắn: Cháu ở Quảng Ninh vào du lịch, muốn gặp tác giả để... mua sách. Hỏi cháu ở đâu? Dạ cháu ở homestay “Nhà tôi”. Thì ra, Hội mở cả homestay ngoài ấy nữa. Và thanh niên đi du lịch bụi, đi phượt vẫn thường chọn chỗ này để ở. Chưa hết, một “Nhà tôi” 2 được mở ở Thái Nguyên.

Một con người tràn đầy năng lượng như thế, tài hoa như thế vừa rời cõi tạm. Khi về làm nhà hàng và “đóng” chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, mang nhiều ý tưởng du lịch về Gia Lai. Tất nhiên, nói cho công bằng, du lịch Gia Lai chưa phát triển, vì nhiều lý do, thì những người làm du lịch như anh và đồng nghiệp của anh cũng khó có đất mà vùng vẫy, có chăng người ta biết tới “Nhà tôi” qua anh, qua mạng mà nếu đi qua Gia Lai thì ghé lại. Và mỗi khi có khách tới “Nhà tôi”, ông chủ, với dáng vẻ rất... ông chủ, béo tốt, bệ vệ, lại làm 2 việc đúng nghề cũ của mình, một là chụp ảnh cho khách và hai là, mang kèn ra thổi. Anh thổi kèn thì chưa thể như chính anh chơi guitar dạo nào, lại càng không thể như Trần Mạnh Tuấn, nhưng được cái, nó cũng là... kèn.

Tôi ân hận, bởi ngay chuyện anh bị bệnh tôi cũng không biết. Tháng trước, anh cưới con gái, đúng ngày cưới thì tôi đang ở phía Đông núi Ngọc Linh, độ cao 1.870 m. Rồi giờ anh đi. Không phải thật nổi tiếng, thật xuất chúng, thật công trạng, nhưng Trần Minh Hội đã gắn với những thăng trầm của Pleiku cho tới ngày rời cõi tạm. Một thời đẹp và buồn, vô tư và trong sáng.

Có thể bạn quan tâm