Thời sự - Bình luận

Rà soát bằng cấp của phi công - việc cấp bách và phải làm nghiêm ngặt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mới đây, sau khi công bố báo cáo điều tra ban đầu về vụ tai nạn máy bay làm 98 người chết, nhà chức trách Pakistan đã đình chỉ công tác 262 phi công vì nghi ngờ họ sử dụng bằng lái gian lận.

 

98 mạng người là nỗi đau của chừng đó gia đình, người thân của họ, không thể kể xiết. Hãy cứ theo dõi thông tin bệnh nhân người Anh bị nhiễm dịch COVID-19 đang được chữa trị tại Việt Nam, để thấy giành giật mạng sống cho một con người khó khăn như thế nào, và qua đó cũng để hiểu được rằng sinh mạng con người quý giá như thế nào.

Báo cáo điều tra ban đầu về vụ tai nạn máy bay tháng trước ở Karachi phát hiện các phi công điều khiển chiếc máy bay xấu số không tuân thủ những quy trình xử lý kỹ thuật tiêu chuẩn và phớt lờ luôn cả các thông tin cảnh báo từ hệ thống kiểm soát không lưu.

Với một tai nạn hàng không, cơ hội sống sót là cực thấp, cho nên phi công sử dụng bằng giả uy hiếp an toàn bay, chưa kể thiệt hại vật chất cũng rất lớn.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam - cho biết, Cục Hàng không đã dừng bay 27 phi công mang quốc tịch Pakistan đang làm việc tại Việt Nam. Đây là việc làm cần thiết của Cục Hàng không, bởi vì khả năng phi công đến từ Pakistan sử dụng bằng giả là rất cao. Ngăn chặn, kiểm tra, nếu bằng thật cho hành nghề trở lại, bằng giả thì xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với ngành nghề đặc biệt là hàng không, sử dụng lao động là chuyên gia, kỹ sư, phi công người nước ngoài là đương nhiên, vì nguồn nhân lực trong nước không cung cấp đủ. Nhưng qua vụ phi công sử dụng bằng giả bị phát hiện ở Pakistan, Việt Nam cần rà soát lại bằng cấp của phi công đến từ các nước, không chỉ Pakistan. Để lọt một trường hợp bằng giả, coi chừng sẽ phải trả giá rất đắt.

Tất nhiên, việc kiểm tra lại bằng cấp của phi công không nên làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không. Tổ chức rà soát bằng cấp nghiêm ngặt là cần thiết, nhưng cũng hỗ trợ các hãng hàng không hoạt động kinh doanh thuận lợi.

Ngành hàng không Việt Nam phát triển rất nhanh, nguồn cầu nhân lực lớn, trong đó có phi công. Qua vụ phi công sử dụng bằng giả, cho thấy Việt Nam cần có chiến lược đào tạo phi công để chủ động nguồn nhân lực, giảm bớt phụ thuộc nước ngoài, bảo đảm ổn định thị trường lao động hàng không cũng như an toàn hàng không.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ra-soat-bang-cap-cua-phi-cong-viec-cap-bach-va-phai-lam-nghiem-ngat-815819.ldo

Theo Lê Thanh phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm