(GLO)- Ra chợ thấy một quầy rau củ quả sạch đóng mác “made in phụ nữ” hay khi bắt gặp những vườn rau xanh tươi tốt in đậm bóng dáng những người phụ nữ yêu thương thường làm người ta liên tưởng đến vườn rau sạch mẹ trồng. Hình thức tạo ra sản phẩm rau sạch và cách tiếp thị đang được phụ nữ tại các địa phương trong tỉnh triển khai nhằm khuyến khích phong trào trồng rau xanh, cây ăn quả ở mỗi hộ gia đình.
“Quầy hàng sản phẩm an toàn”
Cứ mỗi tháng 2 lần, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thành An (thị xã An Khê) lại mở “Quầy hàng sản phẩm an toàn” để bán các mặt hàng thực phẩm do hội viên, phụ nữ làm ra như các loại rau củ, trái cây sạch. Đây là kết quả của việc vận động xây dựng mô hình “Mỗi hộ có 1 vườn rau xanh và cây ăn quả” do Hội LHPN thị xã phát động. Đến nay đã có hơn 20 chị đăng ký cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, có nguồn gốc rõ ràng từ các mô hình trồng rau do hội viên, phụ nữ xã sản xuất tại gia đình.
Nhiều hộ hội viên, phụ nữ ở làng Breng 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai đã có vườn rau sạch. Ảnh: Nguyên Bình |
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền-Chủ tịch Hội LHPN xã Thành An-cho biết: “Quầy hàng sản phẩm an toàn” của hội viên, phụ nữ xã được triển khai từ tháng 4-2019, bán các mặt hàng rau củ quả sạch như: chuối, bí xanh, bí đỏ, rau muống, rau lang, cần tây… Mặc dù mới thí điểm trong thời gian ngắn nhưng có thể thấy rõ hiệu quả khi không chỉ thu hút hội viên, phụ nữ mà nhiều người dân trong xã cũng tin tưởng tiêu thụ sản phẩm ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, quầy hàng không sử dụng túi ni lông mà vận động người mua mang giỏ xách để đựng thực phẩm.
Chủ tịch Hội LHPN xã Thành An cho biết thêm: Thời gian tới, Hội sẽ tăng thời gian bán hàng trong tháng, khuyến khích đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia để mở rộng quy mô gian hàng. Hội cũng sẽ phối hợp với các ngành cung cấp thông tin, kiến thức liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là hướng dẫn phương pháp trồng trọt phù hợp với mô hình để phát triển vườn rau và cây ăn quả tại nhà, cũng như chế biến nông sản theo hướng sạch, an toàn. “Quầy hàng sản phẩm an toàn” có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, bởi hiện nay tất cả các cấp Hội đều đã và đang triển khai mô hình “Mỗi hộ trồng 1 vườn rau xanh và cây ăn quả”. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ trong sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Địa chỉ cung cấp rau an toàn
Mô hình “Mỗi hộ 1 vườn rau xanh và cây ăn quả” cũng được Hội LHPN xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) triển khai và gặt hái thành công ngoài mong đợi khi địa phương này là một trong những địa chỉ cung cấp rau an toàn cho người dân trong huyện và địa bàn TP. Pleiku.
Vườn rau có diện tích gần 2 sào của gia đình chị Ksor H’Nhit (làng Breng1, xã Ia Dêr) luôn bao trùm một màu xanh ngắt của nhiều loại rau như: rau rừng, khổ qua, bí xanh…, trong đó nhiều nhất là khổ qua rừng vì loại này rất được thị trường ưa chuộng. Chị H’Nhit cho biết, chị bắt đầu cải tạo đất trồng rau khổ qua từ đầu năm 2018. Trước đây, trên diện tích này, gia đình chị trồng hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế không đáng kể. Khi Hội LHPN xã vận động triển khai mô hình “Mỗi hộ 1 vườn rau xanh và cây ăn quả”, chị chuyển đổi sang trồng rau ngay. Để rau phát triển tốt, chị tìm mua tro về trộn với phân bò ủ hoai nhằm cải tạo đất. “Từ khi tham gia mô hình, không chỉ có thêm rau sạch để ăn, gia đình còn có thêm nguồn thu ổn định. Riêng khổ qua, mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng, mình cắt bán được hơn 8 triệu đồng”-chị H’Nhit chia sẻ.
Nhiều chị em thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình này nên bắt tay làm theo như gia đình chị Ksor H’Nhi, Rcơm H’Sưm ở làng Breng 2 cũng có thu nhập 15 triệu đồng sau 1 vụ rau khoảng 3-4 tháng. Hiện nay, làng Breng 1 đã có gần 150 hộ hội viên, phụ nữ tham gia mô hình trồng rau xanh và cây ăn quả. Mô hình cũng được triển khai trong 6 làng khác của xã Ia Dêr. Một điều thuận lợi là địa bàn xã rất gần các chợ trung tâm của TP. Pleiku nên nguồn rau sạch do phụ nữ trồng đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp ra thị trường.
Trao đổi với P.V, chị Puih H’Sới-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dêr-cho biết: Ban đầu, Hội chỉ chọn 10 hội viên, phụ nữ ở làng Breng 1 để làm điểm mô hình “Mỗi hộ 1 vườn rau xanh và cây ăn quả”. Đó là những hộ có hoàn cảnh khó khăn và trước đây đều chưa có thói quen trồng rau để ăn. Để triển khai mô hình này, Hội vận động các hộ tham gia trồng diện tích từ 30 m2 trở lên, đồng thời phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí mua cây giống. Hiệu quả mang lại từ những hộ làm điểm của làng Breng 1 đã nhanh chóng được các hộ khác trong làng và các làng trên địa bàn xã học tập, làm theo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, hy vọng cung cấp ra thị trường nguồn rau xanh phong phú, đa dạng, an toàn; đồng thời hướng tới xây dựng tổ liên kết trồng rau sạch, tìm cách kết nối đầu ra sản phẩm để hỗ trợ hiệu quả hội viên, phụ nữ”-chị H’Sới khẳng định.
Nguyên Bình