Thời sự - Bình luận

Rùa trả về rừng, đừng để ra chợ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện ở một nơi có thể gọi là hẻo lánh, hoang vu nhưng tự dưng được bao người ủng hộ, lan tỏa chóng mặt trên mạng xã hội.

Đó là việc một công dân gom mua và gửi cho ngành kiểm lâm, để trả 44 cá thể rùa quý trở lại rừng, mới xảy ra ở Hà Tĩnh.


 

 Số cá thể rùa quý hiếm mà anh Phạm Việt Thắng bỏ tiền mua lại và bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Tân Kỳ
Số cá thể rùa quý hiếm mà anh Phạm Việt Thắng bỏ tiền mua lại và bàn giao cho Vườn quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Tân Kỳ


Đã từng ở xứ rừng dạy học nhiều năm, nên tôi biết rất rõ cảnh những cánh rừng hoang tàn, xơ xác và cháy miên man vào mỗi mùa khô cao nguyên. Hồi ấy, mỗi hôm đi dạy về, cất giáo án xong, bước ra thềm khu tập thể giáo viên, tôi lại thấy đôi chim chấp chới bay về trên cây dầu cụt ngọn trước sân. Tiếng chim kêu vào mỗi chiều khi về tổ, đút mớm cho những con chim non thức ăn mà chúng miệt mài lùng sục kiếm tìm, đã cho tôi một cảm thức day dứt khó quên. Cứ tưởng tượng, ở nơi xa xôi heo hút, buổi nhập nhoạng hoàng hôn im lìm khi chiều buông, hình ảnh và tiếng đôi chim ấy đã đọng lại trong tôi và các bạn đồng nghiệp mãi một nỗi nhớ nhung như thế nào. Cho đến cả 30 năm sau, khi trở lại ngôi trường, cảnh cũ đã thay đổi, nhưng tiếng chim mỗi chiều vẫn văng vẳng. Mới biết, đôi khi điều rất bình thường của một thời, lại khiến ta nhớ về và in sâu trong tâm khảm.

Rùa không phải là chim. Cũng không phải bối cảnh hàng chục năm trước, nhưng ở Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang chứng kiến những cá thể rùa nước ngọt quý hiếm, gồm 41 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc và 3 cá thể thuộc loài rùa cổ sọc được trở lại với nơi này, từ những ngôi chợ dọc đường đi, từ những bước chân miệt mài không ngại khó, và rất “bài bản” của người công dân tốt bụng Phạm Việt Thắng.

Chúng ta, có lẽ từ nhỏ ai cũng có dịp được xem những bộ phim những cuốn truyện, mà trong đó một thế giới rừng hiển lộ, chắp cánh cho bao tưởng tượng. Những rùa và thỏ, những sóc nâu gấu ngựa, những hoẵng và chồn… với cuộc sống phong phú của một thế giới khác với thế giới loài người, phải chăng đã cho ta biết nhiều về một thế giới quan khác biệt nhưng không hề dị biệt, trong đó ẩn chứa biết bao điều dù xa xôi, nhưng rất gần gũi?

Chúng ta cũng biết rằng, mọi sinh linh khi xuất hiện trên mặt đất này và được sưởi ấm từ ánh mặt trời, đó là ân sủng của tạo hóa. Vậy thì vì sao trên những con đường, người ta lại đang tâm hủy diệt đi những nguồn sống từ rừng? Câu hỏi ấy đã được trả lời, từ sự quan tâm và yêu quý hành động của anh Phạm Việt Thắng, lan tỏa trong cộng đồng mạng mấy ngày qua!

Vẫn biết rằng cuộc sống còn khó nghèo, nhưng thay vì đi nhặt từng hạt ươi, từng bó cây ô dước để rừng được tinh tươm, vun xới những khu rừng trồng, nuôi lớn những loài động vật được phép để tiêu thụ, tại sao lại đi hủy diệt các loài động thực vật tự nhiên, để rừng trở nên nghèo nàn đến độ như ngày hôm nay?

Và điều cuối cùng, vụ trả rùa về rừng như ở Hà Tĩnh hay nhiều hành động rất nghĩa khí với rừng như đã từng xảy ra đây đó, chỉ có thể là diễn biến tiếp theo và nhân rộng, một khi những con rùa ấy, những sinh linh của rừng không trở lại chợ được nữa.

Trách nhiệm ấy, phải từ ý thức mỗi người, không loại trừ ý thức và cách hành xử quan trọng để gây nhận thức từ cơ quan chức năng. Có thế, một mai rừng mới thật sự là ngôi nhà lớn của mỗi công dân sống trên quả địa cầu này, để lại tươi mát cho tương lai!

Theo TRẦN THANH BÌNH (TNO)

Có thể bạn quan tâm