Phóng sự - Ký sự

Rừng chưa bình yên sau chỉ đạo của Thủ tướng - Kỳ 2: Ai phá rừng Tây Nguyên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Đak Nông, rừng giao cho các công ty lâm nghiệp hầu hết đã bị mất với diện tích lên đến hàng ngàn hecta. Rừng mất có sự buông lỏng quản lý, thậm chí có tình trạng cán bộ tiếp tay cho lâm tặc...


Từ năm 2014 đến 2017 có 34 cán bộ kiểm lâm ở Đak Nông bị kỷ luật, khởi tố. Nhiều giám đốc lâm trường phải tra tay vào còng. ​Tỉnh ủy Đak Nông đã ban hành hẳn một nghị quyết và phân công tám ủy viên ban thường vụ thiết lập lại kỷ cương về rừng.
 

Những khoảnh rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đak G'Long bị cạo trọc để làm dự án. Hiện diện tích này vẫn chưa được xác định thuộc rừng cấm chuyển đổi hay rừng sản xuất.

Rừng tan tành

Những ngày giữa năm 2017 này, có mặt ở các cánh rừng từng phủ kín các quả đồi ở Tây Nguyên như ven quốc lộ 14, rừng ở huyện Tuy Đức, Đak Song... đâu đâu cũng thấy cảnh đồi núi trơ trọi.

Tại một quả đồi ở xã Trường Xuân, huyện Đak Song, một người dân đang quây khu vườn tiêu đâm ngọn mơn mởn, khoe: “Đất ở đây tốt, mấy năm trước thì còn rừng nhưng người ta cứ phát từng đám một, rồi lấn dần, nay toàn bộ rừng trở thành vườn trồng tiêu, cà phê cả rồi. Toàn đất đã có chủ”.

Đầu tháng 4-2017, đi vào các cánh rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đak G’Long là thấy cảnh ngổn ngang những cây non vừa bị hạ xuống tức tưởi, đốt cháy nham nhở.

Ông Lê Công Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đak Nông - cho biết vừa tạm đình chỉ công tác bốn cán bộ kiểm lâm vì để rừng bị phá mà không báo cáo.

Ông Trường cho biết qua kiểm tra sơ bộ, rừng ở xã Quảng Sơn thuộc lâm phần quản lý của Hạt kiểm lâm huyện Đak G’Long và UBND xã Quảng Sơn đã mất 83,3 ha, bị phá trắng.

Tại các khu vực rừng bị phá, những con đường lớn được dọn ủi, đào bới để làm hồ thủy lợi, chuẩn bị các công đoạn biến rừng tự nhiên thành trang trại.

Trước mức độ của vụ phá rừng có quy mô đặc biệt nghiêm trọng này, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Đak Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam chín đối tượng có liên quan.

Kiểm lâm, công an cũng phá bạo

 

Tình trạng di cư tự do đang gây ra nạn phá rừng nóng bỏng trên các tỉnh Tây Nguyên (ảnh chụp tháng 5-2017).

Theo tài liệu của Tỉnh ủy Đak Nông, hiện toàn tỉnh có 254.955 ha đất thuộc diện có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 220.000ha.

Hiện nay, rừng đang được giao cho các chủ rừng gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 14 công ty lâm nghiệp; 39 doanh nghiệp; các lực lượng vũ trang; cộng đồng dân cư và hộ gia đình... Chỉ trong vòng ba năm từ 2013 đến 2015, toàn tỉnh Đak Nông đã giảm thêm trên 27.000 ha rừng.

Trước tình trạng này, Tỉnh ủy Đak Nông đã thành lập một ban chỉ đạo do bí thư Tỉnh ủy đứng đầu cùng 8 thành viên tập trung xử lý, ngăn chặn đà suy giảm của rừng trên toàn tỉnh.

Ông Lê Diễn - Bí thư Tỉnh ủy Đak Nông - cho biết trong nhiều nguyên nhân khiến rừng bị mất có tình trạng cán bộ dính líu tiêu cực, trong đó có những “cán bộ cấp đại tá”, thậm chí có lãnh đạo nguyên là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng dính chàm.

Đầu năm 2017, Tỉnh ủy yêu cầu thành lập ban chuyên án, làm rõ các băng nhóm bảo kê phá rừng và xử lý các cán bộ tham gia phá rừng.

Hai trong số các trường hợp bị xử lý đầu tiên ở đợt này là vụ việc của nguyên trưởng Công an huyện Đak Song - đại tá Lê Ân Tình và vụ liên quan đến ông Nguyễn Thanh Sơn - nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT Đak Nông.

Trong thời gian làm trưởng Công an huyện Đak Song, đại tá Lê Ân Tình đã nhận hàng chục ha rừng từ Công ty lâm nghiệp Thuận Tân rồi chuyển nhượng lại cho người khác trồng tiêu.

 

4 tháng, hơn 1.700 vụ vi phạm lâm luật

Theo số liệu của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện tình trạng phá rừng, mua bán đất có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp, mua bán lâm sản... vẫn diễn ra nóng bỏng ở nhiều tỉnh Tây Nguyên.

Chỉ bốn tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 1.700 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ các năm trước. Hiện vấn đề nóng bỏng nhất là quá trình sắp xếp, chuyển đổi các công ty lâm nghiệp.

Trong giai đoạn chuyển giao này, hàng ngàn hecta rừng đang được quản lý bảo vệ tạm, chưa có chủ rừng cụ thể nên tình trạng phá rừng lấn chiếm đất để lấy đất sản xuất đang diễn ra rất phức tạp.

Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Sơn được xác định là có dính líu đến hàng chục ha đất có nguồn gốc từ đất rừng tại xã Trường Xuân (huyện Đak Song).

Một vụ khác: Công an Đak Nông đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Xuân Sáng. Trước khi bị bắt, Sáng là thiếu tá công an, giữ chức vụ đội trưởng một phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Đak Nông.

Liên quan đến việc các cán bộ có dính líu đến tiêu cực, ông Lê Diễn cho biết vừa yêu cầu chuyển hồ sơ của năm công ty lâm nghiệp trên địa bàn Đắk Nông qua cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đak Nông điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án.

Quá trình được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, các công ty này đã để mất hàng chục ngàn hecta rừng.

Hiện Công an tỉnh khởi tố một số lãnh đạo các công ty lâm nghiệp gồm ông Lê Xuân Bảo - nguyên giám đốc và ông Thái Thanh Tâm - nguyên tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức; ông Phạm Quốc Đính - nguyên phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa. Các công ty này đã để mất 5.000-8.000 ha đất rừng được giao.

Theo tuoitre

* Ông Nguyễn Nhĩ (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai):

Trồng 7.000 ha rừng trong năm 2017

Sau lệnh đóng cửa rừng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu thực hiện ngay lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, dừng tất cả và không cấp mới các dự án có liên quan đến chuyển đổi rừng tự nhiên, trừ các dự án để phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

UBND tỉnh cũng cho thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đối với các diện tích đất đã bị người dân lấn chiếm canh tác, những diện tích này phải được đưa về lại để trồng rừng phục hồi.

HĐND tỉnh Gia Lai đã đồng ý để triển khai mục tiêu trồng 7.000 ha rừng từ năm 2017. Đây là diện tích trồng rừng được đặt ra lớn chưa từng có tại Gia Lai, chúng tôi quyết tâm phải thực hiện bằng được.

Hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu xốc lại năng lực, đề cao trách nhiệm và tiến hành xử lý nghiêm đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, lơ là trách nhiệm.

* Ông Nguyễn Tấn Liêm (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum):

Có sai phạm là trị ngay

Từ khi có lệnh đóng cửa rừng, tỉnh Kon Tum đã cho dừng hẳn tất cả dự án chuyển đổi rừng tự nhiên qua các mục đích khác, kể cả những diện tích đã có các dự án trước đây; chấm dứt hẳn việc khai thác rừng tự nhiên.

UBND tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống từ cấp tỉnh xuống cơ sở thực hiện việc giám sát quản lý bảo vệ rừng.

Tỉnh cũng cho chấm dứt 19 doanh nghiệp không đủ điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, hiện chỉ còn 23 cơ sở chế biến còn hoạt động, 19 doanh nghiệp còn lại chỉ kinh doanh mua bán chứ không được phép chế biến gỗ.

So với trước khi có lệnh đóng cửa rừng thì hiện nay tình trạng phá rừng khai thác lâm sản và lấn chiếm đất rừng đã giảm hẳn. Lệnh đóng cửa rừng có hiệu lực rất rõ. Việc khai thác vận chuyển gỗ trái phép đã lắng dịu.

Vấn đề quan trọng nữa là việc xử lý cán bộ trong lực lượng cũng được làm rất quyết liệt. Cán bộ có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thông đồng, bao che đều bị xử lý kỷ luật.

Có thể bạn quan tâm