Hồi sinh quần thể cây gỗ trắc
Hơn 10 năm nay, trên diện tích đất canh tác của người dân ở khu vực đồi Tchre (làng Alao) xuất hiện nhiều cây gỗ trắc tái sinh từ những gốc cây đã khai thác trước đó. Khi phát hiện loài cây quý, dân làng tập trung chăm sóc, bảo vệ, từng bước hình thành quần thể cây trắc xen kẽ trong các rẫy mì, bời lời.
Ông Hngip-già làng Alao-cho biết: Từ nhỏ, ông đã thấy khu vực này là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây gỗ khác nhau nhưng nhiều nhất là cây trắc. Qua các cuộc chiến tranh và sự tác động của con người, rừng gỗ trắc này tưởng đã biến mất vĩnh viễn. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, tại nhiều rẫy mì, bời lời của người dân trong làng xuất hiện những cây gỗ trắc con mọc trở lại theo những gốc cũ. Đặc biệt, cây gỗ trắc mọc nhiều trên những diện tích đất bằng phẳng ở khu vực đồi Tchre.
“Hàng ngày, tôi đều lên rẫy chăm sóc mì. Trong rẫy mì có gần 500 cây gỗ trắc đường kính khoảng 10 cm nằm xen kẽ đang phát triển tốt. Những rẫy xung quanh cũng có nhiều cây gỗ trắc đường kính lớn hơn tạo thành một quần thể rừng gỗ trắc tự nhiên quý hiếm”-ông Hngip chia sẻ.
Những cây gỗ trắc tự nhiên trong rẫy mì của người dân. Ảnh: N.D |
Còn ông Yôh-Trưởng thôn Alao thì cho biết: “Trước đây, tôi cũng có nghe những người lớn tuổi trong làng kể về rừng trắc trên vùng đất Alao. Những cây lớn lõi to mọc trong vườn nhà nên một số hộ cưa hạ để bán phục vụ nhu cầu cuộc sống của gia đình. Vì vậy, số lượng cây trắc cũng giảm dần. Khoảng 10 năm nay, một số rẫy của người dân trong làng có cây gỗ trắc mọc xen kẽ với các loại cây khác nên bà con chủ động chăm sóc, bảo vệ. Đến nay, nhiều hộ gia đình sở hữu cả ngàn cây gỗ trắc, còn hộ ít thì cũng vài chục cây. Riêng rẫy của gia đình tôi có hơn 1.000 cây gỗ trắc hiện phát triển tốt. Tôi thường xuyên phát dọn thực bì để giữ rừng trắc này cho con cháu mai sau thụ hưởng”.
Bảo tồn nguồn gen quý
Gia Lai có diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên nhưng những quần thể cây rừng đặc trưng, quý hiếm hiện còn rất ít. Trong đó, quần thể rừng gỗ hương tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ) đang được người dân chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Đinh Kãi-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang-cho biết: Vùng đất 5 xã tả ngạn sông Ayun đều có cây gỗ trắc tự nhiên nhưng số lượng không nhiều như tại làng Alao. Phần lớn cây gỗ trắc mọc tự nhiên theo những gốc cũ. Khi thấy số lượng cây con mọc dày khó phát triển thì người dân bứng trồng sang các khu vực khác. Đặc biệt, những năm gần đây, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân của xã đều có ý kiến phải đầu tư bảo tồn cây gỗ trắc trên địa bàn theo hướng bền vững cho thế hệ con cháu mai sau.
Để bảo tồn nguồn gen quý, năm 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang đã hỗ trợ hơn 1.000 cây giống gỗ trắc cho người dân trồng phân tán dọc các tuyến đường, đài tưởng niệm và trường học. Riêng xã Lơ Pang được hỗ trợ khoảng 700 cây, người dân tiếp nhận trồng, chăm sóc trong nương rẫy và các khu vực của làng Alao. Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ 1.000 cây giống gỗ trắc để người dân trồng.
Khu vực quần thể trắc tại làng Alao đã được đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát chặt chẽ. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Già làng Alao bộc bạch: “Dân làng đều có ý thức tự quản lý, bảo vệ cây gỗ trắc. Bên cạnh đó, nhân viên kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với các lực lượng của xã và làng Alao tuần tra, kiểm soát. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong làng phải giữ gìn, bảo tồn giống cây bản địa này để thế hệ con cháu biết được loài gỗ quý này”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy Mang Yang-cho biết: Rừng gỗ trắc tại xã Lơ Pang đang hồi sinh mạnh mẽ, được người dân chăm sóc tốt. Đây là điều rất đáng mừng. Để bảo vệ rừng cây phát triển, huyện thường xuyên chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã cùng hệ thống chính trị làng Alao tuyên truyền, vận động người dân tăng cường quản lý, bảo vệ, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là quần thể cây gỗ trắc ở khu vực đồi Tchre. Làng cũng xây dựng hương ước để bảo vệ gỗ quý.
Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện hiệu quả việc giao đất, giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân làng Alao; tăng cường lực lượng bảo vệ, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.
“Thời gian tới, huyện sẽ kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xây dựng dự án bảo tồn, phát triển cây gỗ trắc tại làng Alao và các làng khác của xã Lơ Pang. Bên cạnh đó, thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh tổ chức điều tra, thu thập cơ sở dữ liệu, đề xuất phương án bảo tồn, kêu gọi sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giúp người dân trong làng giữ gìn, bảo tồn và phát triển nguồn gen của cây gỗ trắc”-Bí thư Huyện ủy Mang Yang thông tin thêm.