Vị trí khảo sát tìm kiếm của đoàn cựu chiến binh phối hợp huyện đội Sa Thầy (Kon Tum) lần này là chân cao điểm M2, bên trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Khu vực này, dọc dài những triền núi Trường Sơn, là những hố bom, những dấu vết đạn bắn vẫn còn sâu hoắm trên nhiều gốc cổ thụ, những dấu tích hầm hào, những vỏ đạn…
Dưới "mái nhà của miền Nam"
Trên những con đường mòn đầy rãnh sâu, mấp mô, cái xe Minsk của Trinh - cậu kiểm lâm đi cùng chúng tôi - có vẻ "khỏe" nhất. Trinh không cần buộc đá, nhưng bánh trước thì phải chằng thêm một sợi xích để tăng ma sát. Mỗi ngày một lượt đi dạo rừng già bằng cách ấy, nghe nói ngã xe là như cơm bữa. Đôi lúc trượt tay thì một cú drip 360 độ ngay giữa dốc cũng chẳng có gì là đáng kể. "Có trượt là mình nhảy sang bờ bên, cho xe tự do trôi rồi đi xuống nhặt lại" đấy là bí quyết của thượng uý Hải.
Trinh cũng trải qua nhiều cú ngã bất ngờ không kém. Mỗi ngày cậu đều phải đi kiểm tra trong rừng, đi mãi thành quen. Cái lán kiểm lâm chỉ Trinh và chú Đào nhìn nhau. "Thi thoảng có người vào đây làm việc, gặp người trong rừng cũng vui" - Trinh bảo, sau nhiều ngày chỉ thấy mặt thú rừng và nghe tiếng vượn hú.
Những khoảnh khắc bình yên trong rừng. Ảnh: Mai Nguyễn |
Mỗi dấu hiệu hầm hào đều đã được đào bới, mỗi vị trí đều được thăm dò cẩn thận. Nhưng con số những hài cốt liệt sĩ được tìm thêm, vẫn chưa thay đổi.
|
Tôi nghĩ tới Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, khi bắt đầu vượt qua những bụi cỏ lau quá đầu người, để thực sự bước chân vào rừng. Đi từ một khoảng không trống trải, bước vào một không gian mà trên đầu xanh mướt và dưới chân đạp trên đống lá đỏ rực, giống như Alice bắt đầu trượt vào hang động của xứ sở diệu kỳ. Không có những đám lá trút trên vai, nhưng thực sự là bắt đầu "Rừng lạ ào ào lá đỏ".
Có lần tôi cùng những người Xơ đăng vào rừng Ngọc Linh, từ phía làng Long Năng - tâm điểm của xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Bước chân vào khối núi huyền bí nhất nhì phía Nam dãy Trường Sơn, cũng bắt gặp những thảm lá đỏ ối này. Người Long Năng giải thích cho tôi đó là lá pri.
Rất lâu kể từ khi ở đỉnh núi huyền thoại ấy trở về, tôi mới gặp lại cái lá này. Thiếu tá U Tiến Minh ở Tỉnh đội Kon Tum, một người Xơ đăng chính gốc thì nói rằng ở mỗi địa phương tiếng Xơ đăng sẽ không giống nhau. Ở quê anh, người ta gọi loại cây ấy là Loã ei hlatum - đơn giản chỉ là cây lá đỏ. Có những ngày, chúng tôi vượt qua những thác nước đẹp tuyệt vào mùa trút lá. Cả vạt rừng như một thảm vàng, ánh nắng chiếu xiên xuống lấp loáng nước. A Thuận, cậu chiến sĩ ít nói nhất đội, tranh thủ giờ nghỉ ngơi, lặng lẽ đi ra phía suối, lấy những chiếc lá cây làm thành thuyền, thả trôi theo dòng suối.
Ở con đường lên tới cái cây cô đơn, khu vực vẫn còn sóng điện thoại, chỉ còn thấy những ngọn đồi trơ khấc, những cây ngắn ngày trồng vội. Những cựu chiến binh nói khi xưa vào đây, chưa từng thấy đất trống như thế bao giờ. 30 năm chiến tranh, sức tàn phá rừng già không khủng khiếp chỉ bằng 10 năm trở lại đây.
"Người ta ví Tây Nguyên là mái nhà của miền Nam, lưng tựa vào Khu 5, cửa ngõ đi vào Sài Gòn, Nam Bộ; Tây Nguyên còn là hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng" - (trích Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - NXB Quân đội Nhân dân, 1980). Đó là lý do chiến trường Tây Nguyên những năm tháng đó là ký ức day dứt của nhiều đoàn quân, và cả nỗi ác mộng của không ít cựu chiến binh phía bên kia chiến tuyến.
Kiếm tìm trên từng mét đất
Đào tìm kiếm ở chân cao điểm M2. Ảnh: Mai Nguyễn |
Những cựu chiến binh trong đoàn vác balo hăm hở phía trước. Hơn 50 năm trước, họ đã ở đây, rất lâu. Như cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ánh, một người lính của E88, F1, thì chỉ để hành quân từ Bắc vào đây, họ âm thầm đi trong hai tháng trời, "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Bây giờ, đôi lúc gặp một vài cảnh vật như quen thuộc, những mái đầu bạc dừng lại, ánh mắt rưng rưng. Ông Ánh đặc biệt nhạy cảm với những hầm hào, mỗi lần gặp, lại đứng thần ra, chừng như nhớ lại những ký ức khói lửa. Dấu vết của những vạt rừng đen cháy vì bom Mỹ đã là dĩ vãng.
Mỗi ngày, chúng tôi khởi hành từ phía lán, toả đi các hướng theo những toạ độ đã có. Ông Đồng bảo ở vùng đất đỏ bazan này, xương cốt cũng tiêu huỷ nhanh hơn những nơi khác. Thời gian càng qua mau, hy vọng tìm kiếm càng mong manh hơn. Có những lần, tìm đúng toạ độ, đúng vị trí, nhưng dưới lớp đất sâu chỉ là những mảng đất đen, nhưng mảnh tăng võng mủn nát. Có những gia đình liệt sĩ, cũng đành chấp nhận mang một nắm đất về thờ cúng. Bởi năm đó, chiến trận ác liệt, ngay lúc ấy những người lính cũng biết đồng đội của mình đã chẳng vẹn nguyên.
Những cuộc tìm kiếm như thế này thường kéo dài 10 ngày, có khi tới cả tháng. Mỗi mét đất đều được tìm kiếm kỹ lưỡng. Chỉ riêng cái vị trí cây bằng lăng làm dấu mốc kia, chúng tôi qua lại không biết bao nhiêu lần. Phía bên trái là Chư Tan Kra – nơi diễn ra trận đánh ác liệt ngày 26/3/1968. Hàng trăm người con Hà Nội của Trung đoàn 209 đã ngã xuống. Đó cũng là khởi nguồn cho những cuộc tìm kiếm của các cựu chiến binh E209 12 năm qua. Những cựu chiến binh E209 đã tiến hành gần 40 cuộc khảo sát tìm kiếm trên dãy núi này. Mỗi năm, sức mỗi yếu hơn, cái ao ước trẻ lại như thời 30 tuổi để đủ sức leo núi đã bật thành tiếng.
Không phải lúc nào cũng có những kết quả đong đếm được. Như chuyến này, hai tuần ở chân cao điểm M2, thêm 2 tuần phía đỉnh Chư Tan Kra, cuộc khảo sát cũng không có thêm nhiều chỉ dấu. Mỗi dấu hiệu hầm hào đều đã được đào bới, mỗi vị trí đều được thăm dò cẩn thận. Nhưng con số những hài cốt liệt sĩ được tìm thêm, vẫn chưa thay đổi.
Chư Mom Ray yên bình quá đỗi!
Lán trại chúng tôi tĩnh lặng, tới nỗi nghe thấy rõ tiếng nước suối chảy qua những ống lồ ô được các chiến sĩ đặt dẫn nước về. Mỗi bận ngả lưng nghỉ dưới những tán cây, nghe tiếng ve réo rắt, tự dưng tôi nhớ tới nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm:
"Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ
Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có
Một hai ba giọng hát chú ve kim?".
Có điều cái cảm giác bây giờ, không còn là những đêm trắng, mà là một khu rừng hoàn toàn không còn mùi thuốc súng, chỉ đâu đó là tiếng lao xao lá rừng, như tiếng gọi của những linh hồn liệt sĩ hơn nửa thế kỷ vẫn đang vùi trong đất đỏ Trường Sơn. Không còn chút nào cảm giác của một chiến trường ác liệt bậc nhất mùa khô năm 67-68.
Chao ôi cái yên bình đã phải đánh đổi từ tuổi thanh xuân của bao nhiêu chiếc balo chứa những chú ve kim?
Phía trước tôi, CCB Nguyễn Xuân Ánh đang tỉ mỉ xem xét lại tăng võng. Như một thói quen của những ngày trong rừng, khi cơn mưa ngấp nghé đòi tới. Những chiếc lá đỏ đang ngập kín lối mòn vào rừng. Vẫn còn hành trình rất dài phía trước…
Theo Mai Nguyên (Dân Việt)