Kinh tế

Rừng mỗi ngày một cạn kiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù đã có nhiều chủ trương đúng đắn và có nhiều biện pháp kịp thời, song phải nhìn nhận một điều rằng: Rừng đang bị mất dần- rừng mất được tính theo từng ngày.
Quản lý lỏng lẻo
Tổng hợp từ Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chỉ trong 9 tháng năm 2010, cả nước đã xảy ra 26.304 vụ vi phạm các quy định về quản lý- bảo vệ rừng (QL- BVR). Tuy số vụ vi phạm có giảm so với cùng kỳ năm trước, song ở một số địa phương, số vụ vi phạm được phát hiện lại tăng cao đột biến, trong đó có Gia Lai 1.359 vụ.
Rừng mất do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính vẫn là do công tác QL-BVR chưa thật sự chặt chẽ, thậm chí nhiều địa phương còn hết sức lỏng lẻo trong công tác QL- BVR. Trong hơn 26 ngàn vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 9 tháng năm 2010 thì phá rừng trái phép có 2.946 vụ, làm thiệt hại gần 1.600 ha rừng các loại. Tình trạng phá rừng lấy đất trái pháp luật diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng sau rà soát quy hoạch ba loại rừng, được chuyển từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; khu vực giao cho các công ty lâm nghiệp, UBND xã quản lý; khu vực thuộc các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt…
Rừng đầu nguồn bị tàn phá. Ảnh: K.N.B
Điều đáng nói là phần lớn các vụ phá rừng trái phép đều không phát hiện được thủ phạm đích thực, điều này đã gây cản trở trong công tác điều tra, xác minh và xử lý sự vụ. Con số các vụ vi phạm nêu trên chắc chắn chưa phản ánh đúng thực trạng nóng bỏng và tính chất phức tạp về rừng đang diễn ra từng ngày trên cả nước.
Bên cạnh việc phá rừng trái phép để chiếm đất thì tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật cũng hết sức “nóng”. Do nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng cao nên một khối lượng gỗ khổng lồ (nhất là gỗ quý hiếm) ngày càng bị khai thác triệt để, vô tội vạ. Chỉ trong 9 tháng năm 2010, cả nước đã phát hiện (vẫn chỉ là con số… phát hiện), xử lý 2.463 vụ khai thác lâm sản trái phép. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều đường dây có tổ chức bài bản từ khai thác, thu gom, vận chuyển, tiêu thụ, xuất lậu qua biên giới. Nhiều điểm rừng tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm đã được lâm tặc “tận dụng” triệt để, thường xuyên xâm nhập, khai thác và vận chuyển trái phép như một đoạn đường nối từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Lâm Đồng, có 40 km đường đèo dốc, đi qua vùng rừng có nhiều loài gỗ quý như pơ mu, bách xanh, hay trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam…
Không thể phủ nhận hết công lao của lực lượng Kiểm lâm, của các chủ rừng, các ngành chức năng trong công cuộc giữ rừng đầy gian nan này. Tuy nhiên cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ, trong suốt một thời gian dài đã lơi lỏng- thậm chí có nơi còn tạo điều kiện cho các đối tượng xấu xâm hại đến tài nguyên rừng. Cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của một số ngành, địa phương đã “vung tay” và lơi lỏng với các “đại dự án” để từ đó, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
Mất rừng từ… “đại dự án”
Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều dự án lớn của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế- xã hội đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước như: Dự án phát triển cao su đại điền, dự án phát triển hệ thống thủy điện trên các dòng sông… Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, lợi dụng vào những chủ trương này mà nhiều doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đã “tranh thủ” sự lơi lỏng (hoặc cố tình lơi lỏng) của một số địa phương các cấp để “rút ruột” tài nguyên rừng.
Dự án phát triển cao su đại điền đã được các doanh nghiệp tranh thủ xâu xé, giành giật lấy từng “mẩu” của miếng “mồi ngon” này: Ai mạnh thì giành được miếng “mồi” lớn, béo bở; còn kẻ yếu thì cũng kiếm được chút ít mặc dù chỉ là “xương xẩu”. Từ dự án đúng đắn này mà ở không ít địa phương đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chung quy vẫn chỉ là để “xí” được phần đất tốt, thuận tiện giao thông, an ninh ổn định và có… nhiều gỗ tốt trong cái gọi là rừng nghèo kiệt- vốn là cụm từ để chỉ vùng rừng được chuyển đổi sang trồng cây cao su!...
Việc xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện trên hệ thống các dòng sông, con suối trong cả nước cũng là một “miếng bánh” vừa lớn, vừa ngon đối với các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng ở các tỉnh Tây Nguyên, hiện đã có đến trên 300 dự án thủy điện (chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ) được quy hoạch (riêng 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Đak Nông đã có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch). Cũng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, hiện có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, với tổng công suất trên 5.000 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Vấn đề không chỉ là tạo ra nguồn điện năng phục vụ dân sinh, phát triển xã hội mà còn là việc không thể đếm hết một diện tích rừng khổng lồ, đang dần bị vĩnh viễn nhấn chìm xuống các lòng hồ thủy điện; một diện tích rừng không nhỏ cũng theo đó mà mất đi để làm đường vào công trình thủy điện, xây dựng các công trình liên quan…
Có nhiều người nói vui mà… thật, rằng: Ở Tây Nguyên, chấm đâu trên bản đồ cũng trúng thủy điện. Thủy điện phát triển ở khắp nơi: Những dòng sông lớn là “phần” của các “đại gia” như “dòng sông năng lượng” Sê San (chảy qua địa phận Gia Lai và Kon Tum). Theo “thứ bậc” đó mà đến những con sông nhỏ, rồi đến suối, kể cả những… con suối nhỏ róc rách tận trong rừng sâu cũng có khả năng “tỏa sáng”!
Theo các chuyên gia sinh quyển thì, để tạo ra 1 MW điện, phải “đổi” ít nhất 10-30 ha rừng; và để có 1.000 ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000-2.000 ha đất rừng ở thượng nguồn. Với những con số trên, với “bản đồ thủy điện” như hiện nay, và với lập luận (mang tính… thời vụ) rằng trong vòng 9 đến 10 năm, sẽ thu hồi được vốn từ các công trình thủy điện thì liệu đến lúc ấy, chúng ta có “thu hồi” được hàng ngàn, hàng vạn ha rừng- vốn được thiên nhiên biệt đãi để nuôi sống, chở che con người từ hàng triệu năm nay? Hay hàng năm, chúng ta phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt mà căn nguyên sâu xa và duy nhất, đó là thái độ ứng xử với rừng như hiện nay?
Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Phạm Khôi Nguyên- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, nói: Nếu đơn vị nào lấy vào diện tích rừng bao nhiêu để làm thủy điện, đơn vị đó sẽ phải tái tạo rừng ở khu vực khác với diện tích tương tự… Thôi thì, cứ cho khái niệm rừng là do… cây mọc mà nên, cũng khó có thể tái tạo lại được diện tích rừng đã “biếu” cho thủy điện bởi chỉ riêng ở Gia Lai, hiện tại có gần 20 dự án thủy điện được phê duyệt xây dựng trong rừng, nhưng chỉ có dưới 5 đơn vị đảm bảo trồng rừng mới và có báo cáo tác động môi trường.
Rừng chúng ta đang mất, không phải tính theo từng ngày, mà là tính theo từng giờ!
Trần Đăng Lâm

Có thể bạn quan tâm