Loạt bài Rước họa vì ăn thịt “lạ” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các địa phương liên quan.
Đáng chú ý, các chuyên gia cho rằng việc ăn thịt, săn bắt động vật hoang dã có thể khiến người liên quan bị nhiễm các bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong hoặc đối diện với nguy cơ tù tội.
Có thể bị xử lý hình sự
So với bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, BLHS 2015 bổ sung thêm hành vi “tàng trữ” và mở rộng phạm vi đối tượng phải xử lý hình sự như đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về tội vi phạm quy định về động vật hoang dã (ĐVHD) và động vật nguy cấp, quý, hiếm chưa được xóa án tích và quy định chi tiết hơn như động vật thuộc nhóm IB, hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Cites) và nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước Cites.
Cơ quan tố tụng có quyền xử lý hình sự khi người phạm tội có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá 150 - dưới 500 triệu đồng hoặc của ĐVHD khác trị giá 300 - dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính 50 - dưới 200 triệu đồng.
Ngoài ra, việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp với 3 cá thể trở lên đều bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM)
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn
Bị phạt hơn 300 triệu đồng vì mang tê tê bắt được đi bán Ngày 20.2, lãnh đạo Công an H.Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cho biết vừa có báo cáo đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chu Văn Thi (41 tuổi, trú tại xã Đắk Lao, H.Đắk Mil) số tiền 315 triệu đồng về hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD quý hiếm. Trước đó, khi đi tưới cà phê tại khu vực rẫy thuộc thôn Đắk Kim, xã Đắk Lao (Đắk Mil), Chu Văn Thi bắt được một con tê tê khoảng 4 kg. Thi mang tê tê đến TT.Đắk Mil để bán thì bị Công an H.Đắk Mil phát hiện, bắt quả tang. Tại cơ quan công an, Thi đã thừa nhận hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Theo kết luận trưng cầu giám định, cá thể tê tê mà Thi vận chuyển có tên khoa học là Manis javanica, thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB. Công an H.Đắk Mil đã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, xã Nâm N'jang, Đắk Song, tiến hành thả con tê tê về môi trường sinh sống tự nhiên theo quy định. Phan Bá |
Thực tế ở Việt Nam vẫn có một bộ phận người dân có nhu cầu tiêu thụ các loài thú rừng, ĐVHD ở 4 dạng: thức ăn, làm thuốc, gây nuôi làm cảnh, đồ mỹ nghệ, trang sức. Vì nguồn lợi này, nhiều người tìm mọi cách để săn bắt thú rừng , dù đây là hành vi đã bị nghiêm cấm.
Thống kê tại các vườn quốc gia thuộc quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp trong năm 2019 cho thấy, có hàng chục vi phạm pháp luật về săn bắn, bẫy bắt thú rừng. Ở Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế), lực lượng kiểm lâm thu gỡ gần 6.000 bẫy thú và 24 cá thể động vật các loại. Tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), kiểm lâm phát hiện 10 súng săn tự chế để săn bắn thú rừng; Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) xử lý 9 vụ săn bắt trái phép...
Việc săn bắt, bẫy bắt thú rừng trong dân còn phức tạp hơn nhiều, đặc biệt ở các tỉnh khu vực nam Trung bộ. Hồi tôi còn công tác ở Yok Đôn, anh em kiểm lâm suốt ngày phải đi dò tìm để gỡ bẫy, ai cũng sợ đi tuần rừng mà giẫm, đạp phải bẫy thú, vì nguy hiểm vô cùng... Để đến được bàn ăn, ĐVHD “đi” qua nhiều khâu nên nếu mang vi rút sẽ rất dễ lây truyền cho nhiều người. Cái khó nhất của Việt Nam hiện nay là vừa có nguồn cung ĐVHD và cũng là địa bàn trung chuyển ĐVHD, nhất là từ châu Phi, các nước Đông Nam Á cho thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Nếu không kiểm soát, ngăn chặn được việc vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất lớn...
Ông Đỗ Quang Tùng, (quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT)
Trả giá nặng vì thịt “độc”
Mới đây, ngày 7.1.2020, Cơ quan CSĐT Công an H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hoài (40 tuổi, xã Đà Loan, H.Đức Trọng) về hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” để tiến hành điều tra theo quy định. Trước đó, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh của ông Hoài có 2 cá thể ĐVHD được cất giữ trong tủ đông đặt trong nhà và trưng cầu giám định là voọc chà vá chân đen (nhóm IB)...
Tuy nhiên, hiện nay có một tồn tại là khó phân biệt đối với động vật rừng, các sản phẩm, bộ phận của động vật rừng có nguồn gốc do săn, bắt trái phép và do gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp. Việc xác định, nhận dạng về chủng loài đối với những cá thể động vật rừng đã qua chế biến rất khó khăn, nên việc điều tra xử lý cũng khó theo, nhất là việc giám định phục vụ trong công tác xử lý hình sự.
Hơn nữa, việc xác định loài động vật rừng chủ yếu theo phương pháp nhận diện về mặt cảm quan, kinh nghiệm của người thực thi công vụ thì được, nhưng về mặt pháp lý để làm cơ sở khởi tố, truy tố thì không đảm bảo. Để khởi tố phải trưng cầu giám định tang vật xem có đúng các loài này có loài như đã xác định hay không. Hiện nay chủ yếu phải đem đến Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để trưng cầu giám định nên việc vận chuyển tang vật, đi lại và chờ đợi kết quả gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, về tài chính để phục vụ mua tin, chi phí nuôi, nhốt trong quá trình tạm giữ để điều tra hầu như không có nên có những trở ngại nhất định trong việc phát hiện đấu tranh ngăn chặn và cứu hộ.
Ông Lê Đình Việt (Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng)
Thanh Niên (Thanh Niên)