Kinh tế

Nông nghiệp

Ruộng bậc thang ở Bor Grek

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng sự cần cù, sáng tạo, người dân ở làng Bor Grek (xã Hnol, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã biến một vùng đồi dốc thành những thửa ruộng bậc thang để canh tác lúa nước 2 vụ.
Dẫn chúng tôi ra thăm những thửa ruộng bậc thang của làng Bor Grek, già làng Đôih tự hào khoe, ông là người tiên phong dẫn nước về để hình thành cánh đồng. Theo lời kể của ông Đôih, năm 1999 trở về trước, những thửa ruộng này còn là khu đất đồi dốc, lởm chởm đá.
“Người dân trong làng quen với cây lúa rẫy, cứ chỗ nào có đất là trỉa hạt, không bón phân, phun thuốc, tưới nước. Cứ thế chờ sau 6 tháng là thu hoạch. Năng suất cây lúa đã thấp lại thêm chim, chuột, sóc vào phá nên nhà nào may lắm cũng chỉ được 3-4 bao lúa/vụ”-ông Đôih nhớ lại.
Gia đình ông Đôih khi đó cũng có hơn 1 ha lúa tại cánh đồng, mặc dù làm chòi ở luôn trên rẫy để tiện việc chăm sóc, xua đuổi chim, thú nhưng chẳng đủ ăn. “Đi họp nghe cán bộ nói nhiều về việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, nhiều đêm không ngủ vì mải nghĩ phải làm sao để người dân không thiếu lúa gạo để ăn. Ba ngày liên tục, mình đi khảo sát từ khu vực suối Đak Hnol lên rẫy và ngược lại, nhiều người làng còn tưởng mình bị làm sao”-ông Đôih trải lòng.
Sau nhiều ngày khảo sát, ông quyết định họp dân để kêu gọi mọi người cùng chung tay đào mương dẫn nước từ suối Đak Hnol về. Riêng ông tiên phong làm trước. Và thật may mắn, cứ đào mương đến đâu nước theo về đến đó. “Mình đào được khoảng 100 m, bà con nhìn thấy nước theo mương về nên tin theo và tất cả cùng chung tay. Người cuốc, người xẻng, chỉ vài tháng sau con mương dài 1 km đã hoàn thiện”-ông Đôih kể.
Cán bộ nông nghiệp xã Hnol, huyện Đak Đoa (bìa trái) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc lúa. Ảnh: Phương Dung
Có nước nhưng vì khu đất sản xuất của làng vốn là đất đá, trên đồi dốc nên thời gian đầu nước dẫn về không đủ thấm đất. Chưa kể, do chưa có bờ ruộng nên nước chảy hết xuống thung lũng phía dưới. Một lần nữa, dân làng lại phát huy sức mạnh tập thể bằng việc chung tay dịch chuyển từng viên đá tạo thành những bờ ruộng vững chắc, cao hơn so với mặt ruộng chừng 1 m.
Khi đã có nguồn nước ổn định, người dân trong làng bắt tay vào sản xuất lúa nước 2 vụ. Anh Diu cho biết: “Gia đình mình có 2 sào lúa tại đây. Mấy năm nay, có cán bộ xã thường xuyên hướng dẫn nên mình không trồng giống lúa địa phương nữa mà chuyển qua trồng giống HT1 năng suất cao hơn. Vụ Đông Xuân vừa rồi, gia đình mình thu được gần 20 bao lúa”.
Tương tự, gia đình chị Hon cũng canh tác hơn 1 sào lúa, giống HT1 tại cánh đồng và mỗi vụ thu hơn 10 bao lúa. Chị Hon phấn khởi: “Từ khi có nguồn nước, gia đình mình thu nhiều lúa hơn trước. Mình để nước tự chảy qua hệ thống, chỉ khi nào bón phân mới bít ống lại hoặc cho chảy theo hướng khác”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quang Hà-Chủ tịch UBND xã Hnol-cho hay: “Có gần 80 hộ dân làng Bor Grek sản xuất lúa tại các thửa ruộng bậc thang này. Thời gian qua, xã cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên xuống tận ruộng tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân... để nâng cao năng suất, sản lượng”.
Cũng theo ông Hà, ngoài những thửa ruộng bậc thang ở cánh đồng làng Bor Grek rộng 20 ha, trên địa bàn xã còn cánh đồng ruộng bậc thang ở làng Sơrl rộng 10 ha. Ở cả 2 cánh đồng, người dân đã canh tác lúa nước 2 vụ và thay thế hoàn toàn giống lúa địa phương bằng giống lúa cho năng suất cao hơn.
Nếu như ban đầu việc dẫn nước, be bờ đơn thuần chỉ để phục vụ sản xuất thì giờ đây người dân làng Bor Grek lại tự hào vì sở hữu những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa tranh vẽ. Điểm xuyết trong bức tranh ấy là những chiếc chòi rẫy nhấp nhô theo từng gợn sóng của ruộng lúa đang thì con gái.
Anh Diu phấn khởi: “Ruộng bậc thang của làng mình không uốn lượn như các thửa ruộng bậc thang ở nơi khác nhưng đẹp và mát”. Mát là vì từ khi có mương, nguồn nước chảy về các ruộng róc rách đêm ngày; còn đẹp là vì các bờ ruộng bà con không để cây cỏ mọc um tùm.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm