Văn hóa

Sách về làng: Lan tỏa văn hóa đọc tới thiếu nhi vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình “Sách về làng” do Huyện Đoàn Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH Joy Foudation và Trường Đại học Văn Lang tổ chức chiều 14-9 tại Trường Tiểu học xã Uar đã mang lại niềm vui, giúp lan tỏa văn hóa đọc tới thiếu nhi vùng khó.
Đoàn trao tặng Trường Tiểu học xã Uar 10 kệ sách với 10.000 đầu sách các loại. Ảnh: Vũ Chi

Đoàn trao tặng Trường Tiểu học xã Uar 10 kệ sách với 10.000 đầu sách các loại. Ảnh: Vũ Chi

Ở đâu có sách, ở đó có tri thức

Dù là ngày nghỉ nhưng hơn 600 học sinh Trường Tiểu học xã Uar đã có mặt đông đủ tại trường để tham gia chương trình “Sách về làng” do Huyện Đoàn Krông Pa phối hợp với Công ty TNHH Joy Foudation và Trường Đại học Văn Lang tổ chức. Các em háo hức nhìn từng thùng sách mới tinh được vận chuyển, sắp xếp gọn gàng trên kệ sách trong thư viện và tủ sách tại lớp học.

Đây là lần thứ 2 chương trình “Sách về làng” đến với vùng khó Krông Pa sau lần đầu tiên được triển khai tại Trường Tiểu học xã Đất Bằng năm 2023. Chương trình đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc và tạo sân chơi bổ ích cho các em nhân dịp Tết Trung thu đang đến gần. Theo đó, đoàn đã trao tặng Trường Tiểu học xã Uar 10 kệ sách với 10.000 đầu sách; trong đó 60% là sách giáo khoa với 400 bộ sách từ lớp 1 tới lớp 5 và 40% là sách truyện tranh, sách khám phá thiên nhiên, môi trường, rèn luyện kỹ năng sống…

Bên cạnh đó, đoàn cũng tổ chức 8 gian hàng với nhiều trò chơi có thưởng, trao tặng 450 phần quà gồm bánh trung thu, lồng đèn, đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em học sinh; tặng 200 cây xanh xây dựng Tuyến đường thanh niên. Tổng giá trị toàn bộ chương trình gần 200 triệu đồng.

Reo vui khi tìm thấy quyển truyện ưng ý, em Ksor Lênin (học sinh lớp 4A) cho biết: “Lần đầu tiên em thấy thư viện có nhiều sách truyện đẹp và hay đến thế. Những quyển sách này rất phù hợp với lứa tuổi chúng em. Những buổi học tới đây, em sẽ tranh thủ đến trường sớm hơn để đọc sách và đọc cả trong giờ ra chơi nữa. Chúng em sẽ giữ gìn sách thật cẩn thận để nhiều bạn cùng được đọc”.

Còn em Nay H’LyNa (học sinh lớp 5A) bộc bạch: “Em rất thích đọc truyện cổ tích nhưng trước nay chỉ xin được những quyển truyện cũ. Nay các cô chú mang đến thư viện trường toàn sách truyện mới, em rất thích. Em sẽ đọc thật nhiều truyện để về kể lại cho các em ở nhà cùng nghe”.

Trường Tiểu học xã Uar hiện có 611 học sinh, trong đó 76% là học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khoảng 30% học sinh thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học mới, trong đó đặc biệt là các sách bộ môn.

Đoàn thiện nguyện cùng đoàn viên, thanh niên hướng dẫn các em đọc sách được trao tặng từ chương trình Sách về làng tại thư viện nhà trường. Ảnh: Vũ Chi

Đoàn thiện nguyện cùng đoàn viên, thanh niên hướng dẫn các em đọc sách được trao tặng từ chương trình Sách về làng tại thư viện nhà trường. Ảnh: Vũ Chi

Thầy Nông Vũ Toàn-Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách vở đến trường, nhà trường đã huy động các em học sinh có sách cũ không dùng thì ủng hộ cho tủ sách dùng chung tại thư viện trường để tặng lại cho học sinh nghèo đầu năm học mới. Tuy nhiên các sách này thường đã cũ, nhiều quyển bị mất trang, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, chương trình “Sách về làng” được tổ chức tại trường có ý nghĩa vô cùng thiết thực.

Với sách giáo khoa, ngay tuần tới, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát số lượng những em thiếu sách, sách không đảm bảo chất lượng để bố trí mượn sách bổ sung. Với sách truyện, đây là nguồn bổ sung rất quý góp phần đa dạng hóa đầu sách trong thư viện nhà trường, giúp các em có thêm niềm vui trong học tập.

Trên cơ sở lượng sách được trang bị, nhà trường sẽ tổ chức các cuộc thi kể chuyện theo sách nhằm khuyến khích các em đọc và cảm nhận, ghi nhớ nội dung sách; qua đó thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Lan tỏa văn hóa đọc

Theo anh Nguyễn Siêu Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH Joy Foudation, thông thường khi nhắc đến hỗ trợ vùng sâu, mọi người đều nghĩ đến việc quyên góp các loại nhu yếu phẩm hàng ngày như đồ ăn, thuốc men, quần áo….Riêng nhóm chọn 2 lĩnh vực là hệ thống nước sạch và sách làm quà mang tới trẻ em vùng sâu. “Đây là năm thứ 3, đoàn đến với huyện Krông Pa và là mùa thứ 2 tổ chức chương trình “Sách về làng”.

“Bên cạnh việc quyên góp, hỗ trợ điều kiện sống cơ bản như cái ăn, cái mặc, tôi cho rằng việc nuôi dưỡng ước mơ cho các em cũng là điều quan trọng. Thông qua chương trình, tôi mong muốn từ những cuốn sách được tặng, các em sẽ từng bước hình thành, nuôi dưỡng ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ đó”-anh Hạnh kỳ vọng.

Chương trình Sách về làng giúp lan tỏa văn hóa đọc trong thiếu nhi vùng khó. Ảnh: Vũ Chi

Chương trình Sách về làng giúp lan tỏa văn hóa đọc trong thiếu nhi vùng khó. Ảnh: Vũ Chi

Đồng hành cùng với chương trình còn có 15 tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Văn Lang. Chị Bồ Thị Thúy Nhàn-cán bộ phụ trách hoạt động sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Văn Lang-chia sẻ: Sau nhiều lần công tác ở vùng sâu, tận mắt thấy các em nhỏ ở đây thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện vui chơi, giải trí, vì vậy nhóm mong muốn những cuốn sách sẽ trở thành niềm vui cho các em, giúp giờ ra chơi trở nên ý nghĩa hơn.

“Sách về làng” cũng là cơ hội để các bạn tình nguyện viên lan tỏa thông điệp tích cực về sự cho đi. Một cuốn sách có thể thay đổi một cuộc đời, nhìn lại chương trình vừa được tổ chức thành công, sự hưởng ứng từ phía nhà trường, niềm vui của các em nhỏ, cả nhóm cảm thấy hạnh phúc, mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa Nguyễn Đức Tâm-cho hay: Phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi vùng khó là một nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng. Mặc dù mới được tổ chức mùa thứ 2 nhưng chương trình “Sách về làng” đã mang lại nhiều kết quả tích cực, không chỉ hỗ trợ các em học sinh vùng khó có thêm điều kiện đến trường mà còn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Đây cũng là động lực để các cấp bộ Đoàn tiếp tục kêu gọi, trao thêm nhiều tủ sách cho các trường vùng khó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Có thể bạn quan tâm