Thời sự - Bình luận

Sai phạm đất đai gây thiệt hại cho đất nước hơn dịch bệnh, thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một phiên toà, hai kết luận thanh tra, kiểm tra liên tiếp được công bố trong hai ngày gần đây đều gắn với những sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai.
 

 Sai phạm trong quản lý đất đai tại Phú Quốc đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Ảnh Lục Tùng
Sai phạm trong quản lý đất đai tại Phú Quốc đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Ảnh Lục Tùng



Tại kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố hôm 4.5, các sai phạm của Bí thư, Chủ tịch Quảng Ngãi, bí thư Mường Nhé (Điện Biên), cựu Thử trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, nguyên lãnh đạo Sư đoàn 363 đều dính đến mấy chữ “sai phạm trong quản lý đất đai”.

Một ngày sau, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017. Tại kết luận này, nhiều con số khiến người ta giật mình.

Đó là giai đoạn 2011-2014 toàn bộ 145/145 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, vi phạm Luật đất đai 2003.

Đó là ở huyện đảo Phú Quốc, nơi có diện tích 547km2 nhưng từ 2016 đến tháng 6.2018 đã có tới 17.808 thửa đất nông nghiệp bị xé nhỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại Hà Nội, cũng trong ngày 5.5, là phiên tòa phúc thẩm đối với Phan Văn Anh Vũ và 2 cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cũng lại là sai phạm về đất đai và tài sản công.

Những thông tin dồn dập chỉ trong hai ngày là những ví dụ điển hình cho thấy sai phạm về đất đai không chỉ dừng lại phạm vi một doanh nghiệp, một huyện, một tỉnh và tồn tại trong thời gian dài.

Báo cáo từ Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2019, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại: 67,7%, tăng 5,9% so với năm 2018. Trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản...

Đất đai, được ghi rõ trong Hiến pháp là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã không bị xà xẻo, cắt nát, buôn đi bán lại để trục lợi nếu như không có sự tiếp tay của những quan chức biến chất, tha hoá.

Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân là những lỗ hổng, kẽ hở trong Luật đất đai. Thế nhưng những lỗ hổng ấy sẽ không gây thất thoát, thiệt hại lớn đến như vậy nếu có những cái đầu liêm chính bảo vệ đất đai như bảo vệ máu thịt của nhân dân.

Sửa và hoàn thiện Luật đất đai cho phù hợp với thực tế cuộc sống là việc cần tính song cái cần sửa và hoàn thiện cấp bách nhất chính là một bộ phận lãnh đạo các cấp đã khiến sai phạm trong quản lý đất đai trở nên phổ biến.

Sai phạm này cũng như một loại giặc cần ngăn chặn triệt để bởi nó gây thiệt hại cho đất nước còn lớn hơn cả thiên tai, dịch bệnh.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sai-pham-dat-dai-gay-thiet-hai-cho-dat-nuoc-hon-dich-benh-thien-tai-803248.ldo
 

Theo Linh Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm