Điểm đến Gia Lai

"Săn" mai rừng sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau Tết Nguyên đán, một số người buôn mai rừng chuyên nghiệp vẫn đem cây đi bán dạo trên phố. Không ít người chơi đã mua được những cây mai ưng ý với giá rẻ hơn nhiều so với trước Tết.
Thông thường, việc mua bán mai rừng chỉ diễn ra trước Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, việc này diễn ra cả trong những ngày tháng Giêng. Anh Ksor Him (làng Blang 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: “Bây giờ, việc mua bán gốc mai rừng cổ thụ diễn ra quanh năm vì người chơi nắm kỹ thuật tốt, mùa nào cũng có phương pháp xử lý, chăm sóc để dưỡng cây. Chưa kể, sau Tết, mai rừng thường có giá mềm hơn”.
Một nhóm người chọn mua mai rừng gốc bày bán trên vỉa hè đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: H.L
Đều đặn từ mùng 6 Tết đến nay, hôm nào anh Him và một người em cùng làng cũng đưa mai rừng ra bày bán trên vỉa hè đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Những gốc mai rừng được các anh đem bán thường có tuổi đời 7-10 năm trở lên, đường kính gốc 5-7 cm. Theo anh Him, mai rừng gốc hiện giá chỉ còn 1-1,3 triệu đồng/cây, trong khi trước Tết giá trung bình 2-4 triệu đồng/cây nhưng độ tươi khỏe vẫn không khác nhau vì được đào lên đưa đi bán ngay.
Đang tìm mua một gốc mai rừng, anh Nguyễn Văn Hùng (thôn 3, xã An Phú, TP. Pleiku) cho hay: “Mai mới được đào lên, cây lá còn tươi. Mức giá trên dưới 1 triệu đồng cho 1 gốc mai rừng to như vậy là khá rẻ. Mình muốn mua trồng làm cảnh phía trước sân nhà”. Tương tự, vừa mua được một gốc mai rừng khá đẹp với giá 1,2 triệu đồng, vợ chồng anh Trần Thái Phương (tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) không giấu vẻ hài lòng. “Ba mình dân gốc Bình Định, chăm mai khéo lắm. Mình mua về tặng ông để chăm và chơi những mùa Tết sau. Ba mình từng ghép mai kiểng trên gốc mai rừng nhiều rồi, cũng không quá phức tạp nhưng để chăm sóc thành công thì mất không ít thời gian”-anh Phương nói.
Anh Phương cho biết thêm: Cây mai rừng mua về nên cắt bỏ cành nhánh, chỉ giữ lại cành chính để tạo dáng thế rồi rửa sạch lớp vỏ đất, nấm, địa y… bám trên vỏ. Sau đó trộn lẫn cát xây, xơ dừa, than vỏ trấu thành hỗn hợp để tủ gốc khi đưa cây vào bồn. Có thể dùng một số loại phân kích thích rễ để bón cho cây và cần duy trì độ ẩm thường xuyên. Khi cây ổn định, có thể ghép các loại mai khác tùy ý lên cây mai gốc. Để có cây mai chơi Tết đẹp dựa trên ghép mai kiểng vào gốc mai rừng, người chăm phải mất khoảng 2-3 năm trở lên. Tuy nhiên, nếu thành công, cây sẽ rất giá trị vì vừa đẹp lại sở hữu gốc lớn.
Vốn là người “săn” mai chuyên nghiệp, anh Him rành rọt từng khu vườn ở “thủ phủ mai rừng” Ia Kênh (TP. Pleiku) hay tại xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Anh vừa gom mai vườn từ nhà dân đem bán lại kiếm lời, vừa làm “cò” dẫn khách tìm mua mai rừng cổ thụ, gốc đẹp. Tuy nhiên, việc buôn bán cho khách hàng phổ thông đem lại cho anh nguồn thu nhập đều đặn hơn so với dắt mối kiếm tiền của khách đại gia, người sành chơi mai. “Khách tìm mua mai rừng gốc đẹp lâu lâu mới gặp vì ít người và số lượng cây mai như ý cũng thuộc hàng hiếm. Tất nhiên, cây mai đẹp và quý cũng chẳng mấy ai đào lên chở đi bán. Lỡ rủi ro hư cây mà chưa tìm được khách thì có buôn bán cả năm cũng chẳng lại vốn. Hiện tại, mình biết có một gốc mai rừng rất lớn, dáng thế đẹp, nhà vườn đang ra giá 30-40 triệu đồng. Cây đẹp nhất thuộc một nhà vườn ở xã Ia Kênh, họ đang gửi mình và đòi giá 80 triệu đồng nhưng chưa tìm được người mua”-anh Him chia sẻ.
Nhờ “bén duyên” với nghề buôn mai, 2-3 năm trở lại đây, anh Him và nhiều người Jrai ở xã Ia Dêr kiếm được nguồn thu nhập khá. Anh Ya Ly (làng Blang 2, xã Ia Dêr) cho biết: “Nhà tôi không có vườn rẫy. Trước đây, tôi đi làm thuê, mỗi ngày giỏi lắm kiếm được 300 ngàn đồng nhưng bấp bênh. Giờ có nghề buôn mai, công việc nhàn hơn, thu nhập cũng ổn định hơn. Anh em tìm mua mai trong vườn rẫy, sau đó đào đưa ra phố bán. Năm ngoái, tôi bán được trên 100 gốc mai. Sau Tết khá lạ là mai bán chạy hơn, ngày nào cũng bán được 1-2 cây nên anh em rất phấn khởi”. 
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm