Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe đang trở thành xu hướng của nhiều cơ sở sản xuất. Việc này không chỉ góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà còn gia tăng giá trị của thảo mộc.

Sử dụng sản phẩm chiết xuất từ thảo mộc thiên nhiên đang trở thành xu hướng của đông đảo người tiêu dùng. Do đặc điểm lành tính và có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe người dùng, các loại thảo mộc như gừng, sả, bạc hà, trà xanh, lô hội, tía tô, bồ kết, hà thủ ô, nghệ, lavender… thường được dùng để sản xuất ra các sản phẩm tăng cường sức đề kháng, chống viêm, hỗ trợ giấc ngủ, giảm căng thẳng, thư giãn.

san-pham-co-nguon-goc-tu-thien-nhien-khang-dinh-cho-dung-tren-thi-truong-bg-1413-7769.jpg
Các sản phẩm dầu gội đầu, nước rửa chén... làm từ thảo mộc được khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: V.T

Ông Lê Xuân Nhàn-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ An Bình Phát (huyện Mang Yang) cho hay: “Năm 2018, sau khi chiết xuất thành công tinh dầu sả, HTX tiếp tục nghiên cứu thêm một số sản phẩm hữu cơ như: nước lau sàn, nước rửa chén, dung dịch vệ sinh, nước rửa tay làm từ thảo mộc.

Việc tận dụng tối ưu các loại nguyên liệu phụ phẩm từ thiên nhiên đã giúp cho bà con nông dân có nguồn thu thêm sau thu hoạch nông sản. Ví dụ như sau khi bán củ sả, bà con còn có thể bán lá sả mà không phải bỏ như trước kia. Hoặc vỏ dứa cũng được thu gom để bán cho các cơ sở chế tạo chất enzyme tẩy rửa hữu cơ lên men”.

Theo ông Nhàn, sau khi tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, HTX có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng thiên về các sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên. Do đó, để tiếp cận khách hàng nhiều hơn, bên cạnh việc bán qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh thu tăng lên đáng kể, bình quân khoảng hơn 100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, bà Võ Thị Bình-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đức Khang Gia Lai thì cho biết: Hợp tác xã chuyên sản xuất các loại tinh dầu, dầu gội thảo dược, nước lau sàn… từ các sản phẩm phụ trong nông nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ chủ yếu là qua các kênh cộng tác viên, nhà hàng, khách sạn, spa, nhà thuốc…

Việc minh bạch về thông tin, nguồn gốc sản phẩm thông qua quá trình xây dựng mã vạch, bao bì nhãn mác là rất quan trọng. Việc phản hồi từ khách hàng là cơ sở để HTX nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm. Cũng nhờ chú trọng lắng nghe ý kiến khách hàng mà doanh thu tăng từ 180 triệu đồng/tháng lên 300 triệu đồng/tháng.

2su-dung-san-pham-tu-thao-moc-dang-tro-thanh-xu-huong-tim-ve-cac-san-pham-thien-nhien-3884-4150.jpg
Sử dụng sản phẩm từ thảo mộc đang trở thành xu hướng tìm về các sản phẩm thiên nhiên. Ảnh: V.T

Trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng thường biết đến các sản phẩm dầu gội đầu thảo mộc với thành phần chính từ lô hội, tinh dầu bưởi… giúp kích thích mọc tóc, làm dịu da đầu.

Sản phẩm nước rửa chén từ tinh dầu chanh, chiết xuất trà xanh, sả, baking soda… giúp kháng khuẩn, chống oxy hóa, tẩy rửa. Sản phẩm nước lau sàn làm từ quế, các loại enzyme tẩy rửa hữu cơ lên men như vỏ dứa, quả bồ hòn, chanh, sả.

Hay tinh dầu trị liệu (xông họng, xông mũi), dầu massage là những sản phẩm được dùng nhiều trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mới như nước xịt muỗi, nước xịt phòng, nến thơm… cũng được thị trường đón nhận.

Chị Nguyễn Hà Mi (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi biết đến sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên chống rụng tóc, tôi dùng thử và cảm thấy rất ưng ý. Từ xa xưa, ông bà ta đã sử dụng các loại thảo dược tự nhiên và đúc rút kinh nghiệm trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Hiện tại, nhà sản xuất chỉ sử dụng một ít phụ gia sinh học, không dùng hóa chất cô đặc nên sẽ có độ lỏng hoặc ít tạo bọt hơn những sản phẩm công nghiệp khác. Hy vọng thời gian tới, nhà sản xuất sẽ có sự cải tiến”.

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh thì trong các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm thuộc ngành hóa mỹ phẩm làm từ thảo mộc thiên nhiên rất được quan tâm hỗ trợ tham gia để quảng bá, giới thiệu. Đây là tiềm năng lớn để các cơ sở tiếp tục nghiên cứu sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm