Xã hội

Đời sống

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

* P.V: Thưa ông, mùa khô năm 2025, dự báo nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cây trồng như thế nào?

Ông Lưu Trung Nghĩa. Ảnh: N.D

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay, lượng mưa thấp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn cục bộ tại một số vùng, khu vực.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 07/SNNPTNT-CCTL về chủ động phòng-chống hạn hán, thiếu nước tưới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung chuyển đổi cây trồng ở những vùng thường xuyên bị hạn sang cây trồng sử dụng ít nước tưới để giảm thiệt hại.

Đặc biệt, vụ Đông Xuân 2024-2025, đối với những diện tích lúa bấp bênh về nguồn nước tưới, người dân chủ động chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả...

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, sử dụng nguồn nước hợp lý; giải quyết tốt nguồn nước tưới giữa cây trồng ngắn ngày và cây trồng dài ngày, tránh tình trạng tranh chấp nước tưới…

Riêng với công trình hồ chứa Ia Ring (huyện Chư Sê), dung tích chứa từ 10 triệu m3 hiện chỉ còn khoảng 4 triệu m3 sau sự cố sụt lún vào cuối năm 2024.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn người dân các xã vùng hạ du của công trình chuyển đổi cây trồng phù hợp, tổ chức sản xuất thích nghi với điều kiện thực tế nguồn nước tại chỗ. Ưu tiên cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày.

Ngoài ra, một số địa phương có công trình thủy lợi nhưng chưa được đầu tư hệ thống kênh mương đồng bộ thì chỉ đạo các tổ hợp tác huy động người dân tiến hành nạo vét kênh mương, đắp bờ giữ nước, tránh để chỗ thừa nước tràn lan, chỗ lại không có nước tưới. Đồng thời, Sở đã xây dựng kịch bản sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả, không để lãng phí.

Còn các hồ chứa thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam ở một số huyện, trước mắt, Sở yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp quản lý, sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả.

Về lâu dài, Sở đề nghị chuyển các hồ này về địa phương quản lý để duy tu, bảo dưỡng đáp ứng nhu cầu phục vụ nước tưới. Đồng thời, Sở phối hợp cùng các địa phương rà soát và đề xuất nhu cầu đầu tư công các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2026-2030 để có kế hoạch đầu tư, phát huy tiềm năng đất đai rộng lớn của tỉnh.

Sở cũng làm việc với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện để đảm bảo điều tiết nước hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và phát điện trong mùa khô năm nay.

* P.V: Trước diễn biến khô hạn, công tác phòng-chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào, thưa ông?

Các lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp diễn tập phòng-chống cháy rừng cuối năm 2024. Ảnh: N.D

- Ông LƯU TRUNG NGHĨA: Trong những tháng đầu năm 2025, diễn biến thời tiết lạnh và khô hanh dự báo sẽ cực đoan, dị thường hơn những năm trước. Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô năm nay là rất lớn.

Ngay từ đầu mùa khô 2024-2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2990/UBND-NL về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024-2025.

Sở có văn bản nhắc nhở cơ quan chuyên môn, các địa phương, đơn vị chủ rừng dự báo trước các kịch bản có thể xảy ra cháy rừng; đồng thời, huy động lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” dập tắt đám cháy kịp thời trong phạm vi hẹp, hạn chế thấp nhất cháy lớn xảy ra gây thiệt hại tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập kế hoạch kiểm tra công tác ứng phó, phòng-chống cháy rừng ở các địa phương và đơn vị chủ rừng do lực lượng Kiểm lâm làm nòng cốt.

Hạt Kiểm lâm các địa phương tham mưu giúp ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện có phương án cụ thể, nhất là đối với các doanh nghiệp trồng rừng, phương án huy động lực lượng “4 tại chỗ” khi cần thiết.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng không để xảy ra cháy rừng.

Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra những khu vực có nguy cơ cháy cao cũng như tổ chức trực 24/24 giờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra trong mùa khô năm nay.

Với những giải pháp về quản lý công trình, điều tiết nước tưới ở các công trình thủy lợi hồ chứa lớn, ngành Nông nghiệp và PTNT đã sẵn sàng các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước tưới trên cây trồng cũng như phòng-chống cháy rừng nếu có tình huống xảy ra.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm