Xã hội

Gia đình

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Nâng cao chất lượng dân số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bác sĩ Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai-cho biết, sàng lọc trước sinh là hoạt động can thiệp đối với thai phụ thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, di truyền tế bào, rối loạn chuyển hóa… Còn sàng lọc sơ sinh là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân trong 48-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ như: thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh...
“Mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật để xử trí kịp thời, tránh sinh ra những đứa trẻ có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm trẻ bị bệnh bẩm sinh để có biện pháp can thiệp”-ông Lân cho biết thêm.
Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” (gọi tắt là đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh) được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2010 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. 10 năm qua, toàn tỉnh có trên 10.000 ca được sàng lọc trước sinh, hơn 2.000 ca sàng lọc sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Phụ nữ xã Ia Púch (huyện Chư Prông) đăng ký tham gia buổi tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ảnh: Đinh Yến
Phụ nữ xã Ia Púch (huyện Chư Prông) đăng ký tham gia buổi tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Ảnh: Đinh Yến
Bà Phạm Thị Nhàn-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho hay: Những năm qua, cán bộ dân số xã, thị trấn được Trung tâm Y tế huyện cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đào tạo nâng cao kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; kỹ năng tuyên truyền, vận động cung cấp kiến thức cho người dân, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và chị em phụ nữ đang mang thai...
Từ năm 2019 đến nay, huyện tập trung triển khai 3 hoạt động chính là siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh, lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, hỗ trợ tuyến xã truyền thông đến đối tượng tham gia các hoạt động của đề án tại tuyến cơ sở. Kết quả đã thực hiện sàng lọc trước sinh hơn 1.000 ca, sàng lọc sơ sinh 233 cháu; phát hiện 6 ca nghi ngờ thiếu men G6PD. Các trường hợp này đã được tư vấn đi khám lại lần 2 và mở sổ theo dõi quá trình điều trị.
Chị Nguyễn Thị H. (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) chia sẻ, cuối năm 2019, khi mang thai được 8 tuần tuổi, chị đi siêu âm thì được các y-bác sĩ tư vấn về lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Khi bé ra đời, các y-bác sĩ đã lấy mẫu máu sàng lọc và phát hiện cháu bé bị thiếu men G6PD. “Nhờ phát hiện sớm, bác sĩ đã hướng dẫn gia đình tôi phương pháp chăm sóc con cùng chế độ ăn uống hợp lý, uống thêm vitamin D. Nhờ vậy, giờ đây bé đã phát triển hoàn toàn bình thường”-chị H. tâm sự.
Theo bác sĩ Nguyễn Tĩnh Bình-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), phụ nữ mang thai cần xác định 3 thời điểm quan trọng để sàng lọc trước sinh. Giai đoạn thai từ tuần thứ 11 đến 13 nên làm xét nghiệm Double Test (đo độ mờ da gáy) giúp phát hiện sớm nguy cơ hội chứng Down, dị tật ống thần kinh; ở tuần thứ 22 cần siêu âm toàn bộ hình thái thai nhi và tuần thứ 32 siêu âm phát hiện dị tật tim, não… Mỗi sản phụ đều được các y-bác sĩ của khoa tư vấn, tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh bằng việc lấy mẫu máu gót chân trẻ để xét nghiệm, nếu có bất thường sẽ tư vấn cho gia đình chọn hướng điều trị hoặc xử lý tốt nhất.
Để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề cập đến nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân... Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng, để đạt mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên chủ động tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm sinh ra những đứa con khỏe mạnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Để đề án tiếp tục đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đồng thời có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, các ngành, từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức. Đặc biệt, cần tăng cường xã hội hóa đối với dịch vụ này để nhiều trẻ trước sinh và sơ sinh được sàng lọc, giúp phát hiện sớm và hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn”-ông Lân nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm