Chỉ còn khoảng hơn 1 học kỳ nữa, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu. Hầu hết thầy cô giáo viên lớp 1 vẫn đang nơm nớp lo lắng, vì chưa được biết sách giáo khoa (SGK) mới có gì, sẽ phải thiết kế bài giảng như thế nào cho phù hợp…
Từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 1. Các năm học sau đó sẽ tiếp tục thực hiện với các lớp 2, 3…
Thời điểm hiện tại, vấn đề được các giáo viên lớp 1 quan tâm hơn hết là nội dung SGK theo chương trình mới gồm những nội dung gì, thiết kế các bài học ra sao… Việc chưa được trực tiếp đọc qua các bộ sách khiến thầy cô có phần lo lắng.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà My, giáo viên lớp 1 một trường tiểu học tại quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ, thông qua các phương tiện truyền thông và các thông tin từ nhà trường, cô biết tổng quan về chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, cụ thể nội dung cụ thể như thế nào, các kiến thức được thêm, bớt như thế nào so với chương trình giáo dục hiện tại thì giáo viên chưa được biết.
32 bản SGK mới vừa được Bộ GDĐT công bố, tuy nhiên hiện tại, các thầy cô lớp 1 vẫn chưa được trực tiếp "nhìn mặt" các bộ sách này. Ảnh: VNN
Theo cô giáo này, việc thiết kế bài giảng rất quan trọng trong quá trình giảng dạy, truyền tải kiến thức cho học sinh. Để có bài giảng hay, sinh động, giáo viên cần nắm được nội dung chính của bài học và các yêu cầu cụ thể theo như chương trình đặt ra. Các nội dung này được trình bày hầu hết trong SGK.
“Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì giáo viên có thể sẽ phải thiết kế lại hết các bài giảng mình đã sử dụng những năm qua. Được tiếp cận SGK sớm sẽ giúp giáo viên biết mình cần phải làm gì để tự tin hơn khi lên lớp”, cô My chia sẻ.
Cô giáo Huỳnh Thị Tuyền, giáo viên lớp 1 ở quận Thủ Đức (TP.HCM) lo lắng, giáo viên tiểu học phải dạy hầu hết các môn, trừ một số môn như Âm nhạc, Tiếng Anh, Tin học… Do đó, để có thể đọc hết 32 bản SGK mà Bộ GDĐT vừa phê duyệt, đưa ra nhận định nội dung nào hay, chưa hay, sách nào phù hợp với điều kiện trường học tại địa phương… phải tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, từ nay đến đầu năm học mới, giáo viên không còn nhiều thời gian, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, tham gia tập huấn, đào tạo...
Giáo viên tiểu học mong sớm được đọc qua các bản SGK mới để chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021.
Thầy Võ Minh Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Gò Vấp) chia sẻ, tới thời điểm hiện tại, giáo viên tiểu học của trường cũng chưa được tiếp cận các bộ SGK mới. Tuy nhiên, theo như định hướng chương trình giáo dục của TP.HCM những năm qua, giáo viên sẽ không quá khó khăn khi tiếp cận chương trình mới.
Nguyên nhân, theo thầy Thông, là do nhiều năm qua, TP.HCM đã sử dụng các bộ tài liệu dạy học, vở bài tập do Sở GDĐT TP.HCM biên soạn. Bộ sách "Chân trời sáng tạo" do Sở GDĐT TP.HCM và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, phát hành cũng đã được Bộ GDĐT phê duyệt, tạo điều kiện cho giáo viên các trường TP có thể sử dụng bộ sách này trong giảng dạy.
Điều khiến thầy Thông lo lắng là sau khi các trường chọn được SGK để sử dụng theo hướng dẫn của Sở GDĐT TP.HCM, đơn vị phát hành cần đảm bảo nguồn sách dồi dào để cung ứng cho học sinh chuẩn bị cho năm học mới. Việc cung ứng sách cũng nên thực hiện sớm để phụ huynh có thời gian cùng tham khảo, hướng dẫn con em trong việc học.
Còn thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), dù không phải là đơn vị trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học 2020 – 2021 nhưng các thầy cô trong trường cũng quan tâm vấn đề chọn SGK và triển khai chương trình mới. Đây là việc lớn của ngành giáo dục.
Theo thầy Phú, ngoài việc hướng dẫn tổ chức chọn SGK cũng như tập huấn giáo viên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thêm nội dung tập huấn cho giáo viên cách thức tổ chức bài giảng và các hoạt động khác trên lớp. Nhất là trong tình hình học sinh sẽ được học 2 buổi/ngày nhiều hơn, thời gian ở trên lớp nhiều hơn…
Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 1 quy định tại chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 gồm tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn bao gồm tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1. Ngoài ra, còn có các hoạt động giáo dục khác nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương… |
Khải Huyền (Dân Việt)