(GLO)- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là thu nhập của người lao động. Xung quanh vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.
*P.V: Thời gian qua, thu nhập và đời sống của đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đáng kể do dịch Covid-19. Với vai trò là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã có những giải pháp như thế nào, thưa bà?
- Bà TRẦN LỆ NHUNG: Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh phối hợp các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm giúp đoàn viên, người lao động nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức để chủ động phòng ngừa cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng phối hợp với đơn vị sử dụng lao động tạo điều kiện để đoàn viên, người lao động làm việc trong môi trường an toàn, phòng-chống dịch bệnh tốt nhất. Cụ thể, Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp nhà nước tổ chức vận động chi hỗ trợ cho người lao động; thay đổi ca, kíp làm việc để phòng-chống dịch bệnh; cấp phát hơn 20.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn miễn phí cùng hàng ngàn chai nước rửa tay sát khuẩn. Với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhiều Công đoàn cơ sở đã tham mưu với đơn vị triển khai các biện pháp phòng dịch từ xa, bố trí cán bộ y tế ngay cổng ra vào hàng ngày để đo thân nhiệt, khai báo y tế, phát khẩu trang miễn phí cho công nhân, tại nơi làm việc đều có nước rửa tay sát khuẩn. Hầu hết các doanh nghiệp đã bố trí lại thời gian ăn giữa ca, sắp xếp vị trí bàn ăn theo đúng khoảng cách an toàn giúp công nhân yên tâm phòng tránh dịch... Đặc biệt, dù gặp khó khăn do dịch bệnh song các đơn vị đã nỗ lực đảm bảo việc làm, thu nhập, không để xảy ra tình trạng nợ lương, gây ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.
Để chung tay hỗ trợ công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, 90 cán bộ chuyên trách Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh và 17 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố đã ủng hộ 1-2 ngày lương/người với tổng số tiền 27,6 triệu đồng. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn trao 4.800 quả trứng gà, 540 gói cà phê hòa tan, 180 gói mì tôm cho 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các chốt kiểm soát thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Bà Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà cho công nhân nghèo. Ảnh: Đ.Y |
* P.V: Bà có thể cho biết Tháng Công nhân 2020 sẽ được triển khai ra sao cho phù hợp, thiết thực trong tình hình dịch bệnh?
- Bà TRẦN LỆ NHUNG: Tháng Công nhân diễn ra trong tháng 5 gắn liền Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Để triển khai thành công Tháng Công nhân, LĐLĐ tỉnh tận dụng lợi thế của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội như Facebook, Zalo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, nhất là công tác phòng-chống dịch Covid-19. Quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Hỗ trợ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện. Chỉ đạo các Công đoàn cơ sở tiếp tục vận động đoàn viên, người lao động tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn-vệ sinh lao động”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện tốt chủ đề “Năng suất cao-An toàn lao động-Thu nhập tốt”.
Cán bộ quan tâm chăm sóc công nhân 2 giờ nghỉ giải lao 1 lần rửa tay sát khuẩn phòng chống dịch Covid-19 ở Công nhân Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai. Ảnh: Đ.Y |
Đặc biệt, nhằm đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ tỉnh chú trọng chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh chủ động phối hợp các ngành chức năng khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh để đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Đồng thời, động viên các chủ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, sắp xếp công việc linh hoạt đảm bảo sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn các cấp tiếp tục động viên người lao động thi đua sản xuất, chung tay phòng-chống dịch bệnh, nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt khó.
Mặt khác, Công đoàn các cấp cũng chủ động đẩy mạnh hoạt động an sinh xã hội; tranh thủ nguồn kinh phí vận động được để tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các trường hợp đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo hoặc ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả “Chương trình phúc lợi đoàn viên” và các thỏa thuận hợp tác. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ các Công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động ở đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
* P.V: Xin cảm ơn bà!
ĐINH YẾN (thực hiện)