Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Sạt lở miền Trung: Góc nhìn của một số nhà nghiên cứu địa kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày vừa qua, mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Trung đã gây ra tình trạng ngập lụt và sạt lở tại nhiều nơi, gây thiệt hại về cả người và của. Có thể thấy, những năm gần đây, hiện tượng sạt lở diễn ra với tần suất nhiều, cuốn trôi hàng trăm ha đất nông nghiệp, lấn sâu nhà cửa, đe dọa trực tiếp đến sinh nhai, cuộc sống của hàng chục hộ dân, thậm chí là tính mạng.
 

 



Sạt lở triền miên: Thiên tai hay nhân tai?

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, Tiến sĩ Bùi Văn Đức, giảng viên trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, để đánh giá một cách chính xác thì cần phải có nghiên cứu tổng thể. Tuy nhiên về sơ bộ, ông cho rằng, tình trạng trượt lở mặt dốc liên quan đến 2 vấn đề chính. Thứ nhất là các hoạt động của con người, bao gồm việc đào bóc đất đá với quy mô và khối lượng lớn, được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng mất ổn định thậm chí sụt trượt mái dốc taluy, đặc biệt dọc các tuyến đường giao thông vùng núi. Việc tách bóc đất đá sẽ phá vỡ trạng thái và điều kiện cân bằng tự nhiên của khối đất, đá, trong đó có thể kể đến như: thay đổi dòng chảy, thay đổi góc nghiêng và chiều cao mái dốc.

Nguyên nhân thứ 2 là do mưa lớn kéo dài, quá trình này làm cho độ ẩm của đất mái dốc tăng nhanh, sức kháng cắt của khối đất giảm đi, tùy theo mức độ có thể gây ra sạt lở mái dốc.

Đã có khá nhiều các giải pháp khác nhau được đưa vào để ứng phó với hiện tượng mất ổn định mái dốc, trong đó, một số nơi đã và đang thực hiện tiến hành quan trắc dịch chuyển của mái dốc thông qua lắp đặt các trạm quan trắc. Trên cơ sở đó để đưa ra những thang cảnh báo cho người dân sinh sống trong khu vực đó. Tuy nhiên, tiến sĩ Bùi Văn Đức chia sẻ rằng, phương pháp này cần thực hiện kết hợp với một số phương pháp khác, trong đó sự thay đổi độ ẩm của khối đất mái dốc cần được quan tâm hơn; bởi khi đã quan sát được sự dịch chuyển của mái dốc thì thời gian còn lại để chúng ta ứng biến với quá trình sạt lở không lớn, gây khó khăn cho việc phòng ngừa cũng như hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của sạt trượt mái dốc.

"Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mái dốc là độ ẩm vì vậy chúng ta nên xây dựng phương án quan trắc để đánh giá được sự thay đổi của độ ẩm mái dốc ở những khu vực được đánh giá có nguy cơ trượt lở cao. Đồng thời, chúng ta cũng nên thực hiện quan trắc sự dịch chuyển của mái dốc để đưa ra những ngưỡng cảnh báo cho người dân sinh sống ở khu vực đó. Đối với người dân sống ở khu vực có nguy cơ cao về trượt lở thì chính quyền địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ để người dân nhận thức rõ hơn về những rủi ro khi thực hiện các hoạt động sống của mình”, Tiến sĩ Bùi Văn Đức phân tích thêm.

Tai biến về địa chất sẽ trở nên khó lường

Ông Piotr Osiński, Giảng viên bộ môn Địa kỹ thuật, Khoa kỹ thuật xây dựng và môi trường, trường Đại học Warsaw University of Life Science, Ba Lan hiện đang có những nghiên cứu về tình trạng mất ổn định mái dốc ở một số khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Theo đó, ông nhận thấy, có một thực tế cần xem xét là một số khu vực ở miền núi Tây Bắc (Lào Cai), người dân lại có xu hướng sống gần chân mái dốc - khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, và các hoạt động canh tác nông, lâm nghiệp cũng thường được thực hiện tại một số địa điểm nên họ đang sinh sống ở các khu vực như vậy.

"Thực tế thì khó để yêu cầu người dân ở khu vực đó di chuyển ra các khu vực khác vì nó liên quan đến hoạt động sinh sống của họ và đó là mảnh đất mà họ đã sinh sống nhiều năm. Cá nhân tôi cho rằng, đây là 1 kịch bản không nên xảy ra. Nếu như chúng ta không thể thay đổi được điều này thì theo quan điểm của tôi, chúng ta nên cung cấp những chỉ dẫn để người dân có những thông tin đầy đủ hơn về trượt lở mái dốc cũng như cách thức chúng ta tránh để không làm tác động đến nguy cơ làm mất ổn định mái dốc ở khu vực đó", ông Piotr Osiński cho biết.

Ông Piotr Osiński đánh giá, với diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan cùng với hoạt động của con người, nguy cơ xảy ra mất ổn định mái dốc trong tương lai là rất cao nên các tai biến về địa chất sẽ trở nên khó lường, trong tương lai chúng ta cần phải làm nhiều hơn để có thể ứng phó với những biến đổi đó.

Trong đó có 3 vấn đề cần lưu ý: thứ nhất là có những chỉ dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân ở khu vực đó, các vấn đề liên quan đến ổn định mái dốc. Thứ hai, cần thực hiện nhiều hơn, việc đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm để chúng ta có thể đưa ra các biện pháp chủ động hơn, kịp thời hơn trong giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng này. Thứ 3, Chính phủ các nước nên xem xét đầu tư đồng bộ, bài bản để các nhà khoa học có đầy đủ nguồn lực để nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân và đề ra các giải pháp phòng ngừa mất ổn định mái dốc này.

 

https://laodong.vn/moi-truong/sat-lo-mien-trung-goc-nhin-cua-mot-so-nha-nghien-cuu-dia-ky-thuat-847416.ldo

Theo Phạm Dung - Tuấn Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm