Thời sự - Bình luận

Sau phí cao tốc, người ta còn muốn lập thêm một cái quỹ!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với một phép tính trừ đơn giản: Nhà nước phải chi khoảng 400 ngàn tỉ, nhưng chỉ cấp được 300 ngàn tỉ, người ta bắt đầu nói về việc “có một quỹ riêng cho kết cấu hạ tầng giao thông”.
 

Đường tránh Chư Sê
Đường tránh Chư Sê "nát như tương" dù đầu tư tới 250 tỉ (Ảnh Thanh Tuấn/LĐ)


“Người ta” ở đây là ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT.

Trên báo ngành, Viện trưởng Mười tính toán: Nhu cầu của ngành GTVT giai đoạn đến 2025 vào khoảng 520 ngàn tỉ, trong đó có 120 ngàn tỉ huy động theo hình thức PPP. Như vậy, nhà nước sẽ phải chi khoảng 400 ngàn tỉ. Nguồn đầu tư công trung hạn dự kiến cấp cho ngành GTVT chỉ khoảng 300 ngàn tỉ.

Và giải pháp cho “Nhu cầu lúc nào cũng vượt quá nguồn vốn” là “phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư vào danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ”. Và - cái này đáng để nói - “có một quỹ riêng cho kết cấu hạ tầng giao thông”.

Hai giải pháp, đều là biện pháp tăng thu. Đều nhòm vào túi dân cả.

Còn nhớ khi đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư được Bộ GTVT đưa ra, đã có không ít dư luận phản đối. Bởi bản chất câu chuyện là tiền nhà nước đầu tư, các nguồn vốn vay đều từ tiền thuế của dân cả. Nói nhà nước đầu tư - một hình thức là để phân biệt với nguồn vốn xã hội hoá, chứ không có nghĩa tiền nhà nước khác với tiền thuế dân.

So với nhu cầu, tiền luôn thiếu. “Sáng kiến” về một thứ quỹ, về chuyện thu phí cao tốc của Viện trưởng Lê Đỗ Mười rất xứng để ngành giao thông cho một điểm 10.

Nhưng đối với dân thì không, thì đó là một điểm trừ.

Bởi một cái quỹ không thể nói khơi khơi vậy được.

Bởi một cái quỹ không thể không tính toán đến sức chịu đựng của dân, cũng như những tác động tới chi phí vận tải của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Một cái quỹ, càng không thể không giải thích sự liên quan với phí bảo trì đường bộ mà dân đang gánh, với thuế mà dân đang nộp, với nợ mà dân phải trả - để hình thành nguồn lực cho hạ tầng giao thông suốt bao năm nay.

Chìa khoá tiền luôn là một cái khó. Nhưng chính vì thế nó cần liệu cơm gắp mắm, cần có những tính toán, ưu tiên, chứ không thể cứ vẽ ra rồi giải quyết cái khó ấy bằng túi dân.

Một nhu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách và rồi đẻ ra phí, đẻ ra một cái quỹ. Làm gì có cái lý nào như thế.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sau-phi-cao-toc-nguoi-ta-con-muon-lap-them-mot-cai-quy-854844.ldo


Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm