Kinh tế

Nông nghiệp

Sầu riêng lên ngôi, nhiều nông sản thất thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ mất 10 tháng, xuất khẩu sầu riêng đã đạt được cột mốc lịch sử 2 tỉ USD còn giá bán tại vườn bình quân 70.000 - 80.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, nhiều loại cây trái khác thất thế, thậm chí có nguy cơ 'thất thủ' vì người dân đổi sang trồng loại trái cây tỉ đô này.

Sầu riêng lợi nhuận cao hơn 20 lần hồ tiêu

Sự phát triển của mặt hàng sầu riêng đang trở thành sức ép với nhiều loại cây trái khác và tại những sự kiện tưởng chừng không liên quan, việc này cũng được đề cập. Cụ thể, ngày 23.11 vừa qua, tại hội nghị thường niên Nhóm đối tác công - tư (PPP) về hồ tiêu và cây gia vị, cây sầu riêng lại gây chú ý. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA), cho biết theo khảo sát trên 420 hộ nông dân trồng hồ tiêu thì được biết lợi nhuận của hồ tiêu khoảng 2.000 USD/ha. Lợi nhuận thấp vì xuất khẩu khó khăn. Đến hết tháng 10, lượng xuất khẩu đạt trên 223.000 tấn, tăng đến gần 15%, nhưng giá trị chỉ đạt gần 751 triệu USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong năm 2024, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.

Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỉ USD trong năm 2023, con số lịch sử của ngành rau quả VN. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xuất khẩu sầu riêng vượt 2 tỉ USD trong năm 2023, con số lịch sử của ngành rau quả VN. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng và giá trị. Nông dân trồng sầu riêng đạt lợi nhuận từ trên 40.000 USD/ha, cao hơn 20 lần so với cây hồ tiêu. Điều này khiến tình trạng phá hồ tiêu trồng sầu riêng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều hộ, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung mặt hàng gia vị này. Ở thời điểm hiện tại, nhiều bà con cũng không có động lực phát triển mới diện tích trồng hồ tiêu. Theo các số liệu thống kê, diện tích trồng hồ tiêu giảm từ 140.000 ha năm 2019 xuống còn 120.000 ha vào thời điểm hiện tại. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cũng thừa nhận thực tế người dân địa phương không còn chuộng cây tiêu mà chuyển đổi mạnh sang cây sầu riêng và có thể diện tích thật sự của cây hồ tiêu VN chỉ còn khoảng 60.000 - 70.000 ha. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, diện tích trồng sầu riêng khoảng trên 5.600 ha, trong đó có khoảng 3.000 ha mới phát triển những năm gần đây.

Cũng ở khu vực Tây nguyên, việc hồ tiêu mất giá nên mất chỗ đứng là điều dễ hiểu nhưng ngay cả mặt hàng có giá cao kỷ lục như cà phê cũng thất thế. Giá cà phê trong thời gian qua ở mức cao kỷ lục 68.000 - 69.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới trên 70.000 đồng/kg, là mức cao chưa từng có trong lịch sử ngành này. Nhiều nông dân trồng cà phê cho biết với mức giá trên 60.000 đồng/kg như vừa qua thì 1 ha cà phê có thể thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng chưa thấm vào đâu nếu so với giá và lợi nhuận mà trái sầu riêng mang lại, trung bình khoảng 1 tỉ đồng/ha.

Đắk Lắk hiện là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất nước với tổng diện tích gần 28.000 ha, trong đó có hơn 3.000 ha trồng mới. Kế đó là các địa phương như Lâm Đồng khoảng 15.000 ha, Đắk Nông gần 10.000 ha, trong đó mỗi địa phương có diện tích trồng mới khoảng 3.000 - 3.500 ha.

"Vua" thanh long, chuối … cũng đi trồng sầu riêng

Sầu riêng hiện không còn là sản phẩm đặc thù của vùng sông nước Cửu Long hay các tỉnh Tây nguyên mà nhiều địa phương duyên hải Nam Trung bộ như Bình Thuận, Nha Trang, Phú Yên cũng trồng.

Tại Bình Thuận, nơi được xem là thủ phủ thanh long vài năm trước thì 1 - 2 năm gần đây cây sầu riêng đã dần thay thế. Năm 2019, xuất khẩu thanh long đạt con số kỷ lục 1,25 tỉ USD rồi sau đó giảm dần đều. Nhận thấy dấu hiệu đi xuống và không có khả năng vực dậy của mặt hàng này, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), bắt đầu chuyển hướng sang cây sầu riêng. Hiện tại, diện tích vườn sầu riêng hơn 2 năm tuổi của ông lên đến khoảng 400 ha. "Có thể sắp tới sẽ chuyển toàn bộ diện tích thanh long khoảng 600 - 700 ha sang trồng sầu riêng", ông Hậu, người được mệnh danh là "vua thanh long" của VN, cho biết.

Hay như trường hợp "vua chuối" Long An, ông Võ Quan Huy, trong một lần gặp gần đây cũng hồ hởi khoe về vườn sầu riêng ở các tỉnh miền Đông và Tây nguyên. Năm tới sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên và hiện ông đã có đủ mã số vùng trồng để sẵn sàng xuất khẩu. Cùng với chuối, sầu riêng sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của công ty.

Năm 2023, xuất khẩu chuối tăng mạnh cả về lượng và giá trị khi nhiều nguồn cung trong khu vực gặp dịch bệnh, ước tính cả năm có thể đạt đến 500 triệu USD. Mít cũng là mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao trong năm nay. Có thời điểm giá mít tại vườn ở các tỉnh miền Tây vượt 30.000 đồng/kg, hiện còn khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg, là mức giá đáng lẽ đủ để nhiều nhà vườn hài lòng, nhưng hiện tại lại không như vậy. Ông Nguyễn Dũng ở xã Tân Kiều, H.Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: "Gia đình hiện có 3,5 ha sầu riêng, trước đây trồng xen canh trong vườn mít. Sầu riêng lớn dần và tôi đốn bớt mít để nhường chỗ cho sầu riêng phát triển. Ở đây trồng sầu riêng vụ nghịch, cho thu hoạch dịp cận tết nên giá cao, năm trước giá bán tại vườn khoảng 100.000 đồng/kg. Ngoài ra tôi vẫn còn khoảng 2 ha vườn đang trồng chanh xen canh với chanh dây và một số loại cây khác, chuẩn bị chuyển đổi sang trồng sầu riêng".

Ở miền Tây, tỉnh Tiền Giang vẫn là nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất, trên 35.000 ha, tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2022. Từ cuối năm ngoái, diện tích trồng sầu riêng không ngừng tăng. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo cần có lộ trình, không vội vàng tăng diện tích dễ gây rủi ro… nhưng bà con nông dân vẫn không ngừng mở rộng diện tích do mức lợi nhuận quá hấp dẫn.

Phập phồng vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Nhiều phân tích thị trường cho thấy tiềm năng rất lớn của mặt hàng sầu riêng tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, lợi thế rất lớn của sầu riêng VN là vụ nghịch, có quanh năm, giao thông thuận lợi so với các đối thủ khác như Thái Lan, Malaysia hay Philippines. Tuy nhiên, khi mà người người nhà nhà đi trồng sầu riêng cũng gây ra tâm lý bất an, nhất là có đến trên 95% đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, diện tích vùng trồng được cấp mã số vẫn còn hạn chế, mới đạt trên 10%. Dù cả sản phẩm sầu riêng tươi lẫn chế biến của VN đều đã mở rộng và phát triển tốt ở nhiều thị trường khác nhưng vẫn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể.

TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, khuyến cáo: Sầu riêng là cây lâu năm, được ví như "con nhà giàu". Cây bắt đầu cho trái sau 4 - 6 năm trồng với những đòi hỏi rất khắt khe về đất đai, giống, kỹ thuật canh tác… Sầu riêng còn khá mẫn cảm với hạn mặn và các loại sâu, bệnh hại như rầy xanh, rầy nhảy, sâu đục trái, xì mủ thân, thối rễ... Chi phí đầu tư cho một cây sầu riêng khá cao, từ khi gom mô lên liếp cho đến thời điểm thu hoạch đợt trái đầu tiên, ước tính khoảng 5 - 8 triệu đồng. Thông thường, phải mất 5 năm để cây sầu riêng lớn và cho trái. Trong khi đó, không ai biết cơn sốt sầu riêng ở Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu. Nếu Trung Quốc bất ngờ ngừng hoặc giảm nhập khẩu sau khi tự sản xuất được sầu riêng tại thị trường nội địa thì người nông dân VN sẽ trở thành đối tượng bị thiệt hại nặng nề.

Xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt 5,2 tỉ USD

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 5,2 tỉ USD, tăng 70% so với cùng kỳ 2022; tương đương con số tuyệt đối tăng 3 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả đạt gần 1,8 tỉ USD. Như vậy, xuất siêu rau quả đạt trên 3,4 tỉ USD. Trong số này, sầu riêng là mặt hàng chủ lực, đạt giá trị khoảng 2,3 tỉ USD.

Có thể bạn quan tâm