Các thủ tục xét công nhật đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sẽ chỉ thực hiện ở 2 cấp: Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư nhà nước.
Hội đồng giáo sư ngành và liên ngành sẽ được "tích hợp", trở thành cơ quan giúp việc cho Hội đồng giáo sư nhà nước.
Trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2016. |
Đây là một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Cụ thể, tại chương 3 của dự thảo quy định "Thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS", việc xét tiêu chuẩn chỉ còn chia làm 2 cấp: Tại cơ sở GD ĐH và tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Trình tự thủ tục và yêu cầu xét tại các cấp cũng có nhiều thay đổi so với quy định trước đây.
Theo đó, với Hội đồng giáo sư tại cơ sở GD ĐH, dự thảo quy định: căn cứ vào yêu cầu về chức danh GS, PGS trước mắt và tương lai, cơ sở GD ĐH tự thành lập hoặc liên kết với cơ sở GD ĐH khác thành lập Hội đồng giáo sư cấp cơ sở.
Trường hợp cơ sở GD ĐH chưa đủ GS, PGS các chuyên ngành liên quan thì được quyền mời GS, PGS bên ngoài.
Đồng thời, hoạt động của Hội đồng giáo sư cơ sở chủ yếu tập trung xem xét nhu cầu nhân sự có chức danh GS, PGS của đơn vị, thủ tục, hồ sơ ứng viên. Việc đnáh giá trình độ khoa học của ứng viên tùy vào điều kiện của từng trường để xem xét (không bắt buộc).
Đối với Hội đồng giáo sư nhà nước, dự thảo quy định: Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng giáo sư nhà nước, thành lập và bổ nhiệm thành viên của Hội đồng giáo sư ngnàh, liên ngành là những nhà khoa học có chuyên môn, uy tín, xứng đáng là đại diện của các ngành, liên ngành khoa học.
Hàng năm, chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước có thể điều chỉnh, bổ sung thành viên của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành cho phù hợp với sự phát triển của các ngành khoa học.
Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành có trách nhiệm xét, thẩm định, đánh giá trình độ khoa học cũng như ngoại ngữ của các ứng viên do Hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị.
Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho ứng viên sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ, dựa trên đánh giá khoa học từ Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.
Như vậy, Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành không còn là một cấp độc lập mà là bộ phận chuyên môn, giúp việc của Hội đồng giáo sư nhà nước.
Điều này cũng được quy định rõ tại Điều 14 của dự thảo quy định mới về cơ cấu và trình tự thành lập Hội đồng giáo sư nhà nước. Cụ thể, tại khoản 8 của điều này quy định: "Hội đồng giáo sư nhà nước có bộ phận giúp việc là Văn phòng và các Hội đồng giáo sư ngnàh, liên ngành do Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước thành lập và quy định tổ chức hoạt động".
Một điểm mới trong nguyên tắc hoạt động của các hội đồng giáo sư là thảo luận công khai, dân chủ, biểu quyết hoặc bỏ phiếu công khai (phiếu có chữ ký, ghi rõ họ tên của người bỏ phiếu) tại các phiên họp để quyết nghị những vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng.
Trong các quy định trước đây, các hộ đồng giáo sư từ cấp cơ sở tới cấp nhà nước đều quyết nghị bằng việc bỏ phiếu kín.
Ngoài ra, cơ cấu của Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng giáo sư nhà nước cũng được quy định rõ trong dự thảo mới. Trong đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước còn Phó Chủ tịch là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Nhiệm kỳ của Hội đồng giáo sư nhà nước là 5 năm. Thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước tham gia không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Viết sách không còn là tiêu chuẩn"cứng" với GS, PGS
Một trong điểm mới của dự thảo đang được lấy ý kiến lần này là quy định cho phép các ứng viên GS thay thế tiêu chuẩn viết sách bằng bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (thuộc danh mục ISI và Scopus).
Cụ thể tại khoản 5, Điều 7 quy định về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, dự thảo mới bổ sung quy định: "Ứng viên không có sách phục vụ đào tạo thì được bù bằng điểm công trình khoa học quy đổi của các bài báo khoa học do ứng viên là tác giả chính tương ứng với điểm của các cuốn sách được thay thế".
Các bài báo khoa học dùng để thay thế cho sách phụ vụ đào tạo là các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín sau khi có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh GS) hoặc sau khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ (đối với ứng viên đăng ký xét chức danh PGS).
Trước đó, viết sách là một trong những tiêu chuẩn "cứng" mà các ứng viên GS, PGS phải đáp ứng khi nộp hồ sơ. Điều này được cho là không phù hợp đặc biệt là với các ứng viên làm việc tại các cơ quan nghiên cứu.
Ngoài ra, dự thảo mới cũng quy định, ngoài việc ứng viên phải thành thạo một ngoại ngữ bất kỳ thì phải giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh.
Các quy định khác về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được giữ nguyên như dự thảo lần thứ nhất công bố hồi đầu năm 2017.
Đối với nội dung quy định điểm công trình khoa học quy đổi, dự thảo mới đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là quy định điểm quy đổi công trình khoa học thành các điều của chương 2 (Tiêu chuẩn chức danh GS, PGS) và phương án 2 là đưa thành phụ lục, trong đó có bảng quy đổi điểm và danh mục các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng điều chỉnh một số quy định để phù hợp với các ứng viên ở một số ngành đặc thù.
Cụ thể thể dự thảo quy định quy đổi điểm công trình khoa học đối với các tác phẩm nghệ thuật, thành tích thi đấu thể thao đạt giải thưởng quốc gia tối đa 1,5 điểm, đạt giải quốc tế tối đa 2,0 điểm.
Dự thảo cũng không quy định cứng đối tượng bổ nhiệm GS, PGS giảng viên cơ hữu nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GD ĐH thu hút giảng viên có tài năng vào các vị trsi đảm nhiệm công tác đào tạo của nhà trường.
Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại cơ sở GD ĐH sẽ do hiệu trưởng chịu trách nhiệm quy định cụ thể cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Quy định này theo Bộ GD-ĐT là thực hiện chủ trương tự chủ đại học.
Lê Văn/vietnamnet