Thời sự - Bình luận

Sẽ có "Phao cứu sinh' cho trái phiếu doanh nghiệp?  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu đề xuất kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm của Bộ Tài chính được chấp nhận, nó sẽ như một chiếc phao cứu sinh cho trái phiếu doanh nghiệp đang đến giai đoạn nước rút đáo hạn.
 

Chính phủ, Bộ Tài chính đang đưa ra những giải pháp quyết không để đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh Đức Mạnh
Chính phủ, Bộ Tài chính đang đưa ra những giải pháp quyết không để đổ vỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh Đức Mạnh


Kéo dài với thời gian 2 năm đối với kỳ hạn trái phiếu là một trong 5 giải pháp tại một dự thảo Nghị định sửa đổi về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vừa trình Chính phủ.

Theo đó, doanh nghiệp được phép thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành với “tối đa 2 năm” so với phương án đã công bố cho các nhà đầu tư.

Phải mở ngoặc, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp không được phép thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.

Việc cho phép doanh nghiệp thay đổi kỳ hạn trái phiếu, giống như cho họ một “liều thuốc”, một “giải pháp thời gian” vậy.

144.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn với 43,2% là trái phiếu bất động sản. Trong 2 năm tới, có thêm 271.400 tỉ và 329.500 tỉ đáo hạn. Những con số rất lớn, rất khủng. Và đối với doanh nghiệp phát hành tại thời điểm này, nói đó là cái hố, hay bức tường đều đúng.

2022 là thời điểm đáo hạn của những trái phiếu kỳ hạn 3-4 năm phát hành trong giai đoạn 2018-2019. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ huy động mới để tất toán các khoản đến hạn. Nhưng, nhìn chỉ số tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cho thấy việc huy động mới là gần như bất khả thi.

Bởi sau 3 năm liên tục tăng trưởng, tổng giá trị phát hành luỹ kế đến tháng 9 năm nay chỉ còn 248.000 tỉ đồng, giảm tới 43%. Và càng cuối năm, càng không thể phát hành mới.

Cũng không thể không nói đến sức ép từ việc doanh nghiệp đang phải mua lại trái phiếu trước hạn với quy mô mua trước hạn lên tới 135.000 tỉ đồng. Đó cũng chính là chỉ dấu cho thấy đang có sự khủng hoảng niềm tin từ các nhà đầu tư sau những biến động trên thị trường trái phiếu.

Để doanh nghiệp không “đụng tường” khi thời hạn đáo hạn trái phiếu cận kề, giải pháp thời gian rõ ràng là một chiếc phao cứu sinh thật sự.

Thủ tướng Chính phủ, cũng vừa có công điện yêu cầu đánh giá cụ thể khả năng thanh toán, chi trả đặc biệt đối với các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và 2023. Để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, vừa đảm bảo thị trường trái phiếu hoạt động an toàn, lành mạnh và bền vững. Công điện, giống như phát đi một tín hiệu về sự quan tâm của chính phủ, quyết không để thị trường trái phiếu đổ vỡ, có giá trị rất lớn về mặt niềm tin.

Thời gian và niềm tin của nhà đầu tư. Những thứ còn cần hơn cả tiền, thứ mà có tiền cũng không dễ mua.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/se-co-phao-cuu-sinh-cho-trai-phieu-doanh-nghiep-1127207.ldo


Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm