Phóng sự - Ký sự

"Sẹo" trong lòng núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Em ru gì, lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian…”, câu hát phát ra từ chiếc điện thoại của một tài xế xe tải chở đá, trong quán cơm “cóc” bên chân núi dưới thung lũng xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Câu hát nhắc tôi rằng, mình đang ở “thủ phủ khoáng sản” đá trắng, thiếc… 
Cũng từ câu hát mà tôi chợt nhận ra nơi đây “đá núi tật nguyền” vì những ngọn núi bị cắt cụt, đục khoét tan hoang, nham nhở. Và cùng với “đá núi tật nguyền”, con người nơi đây cũng đã phải mang những “vết sẹo” mà thời gian không dễ gì hồi phục. 
1. Qua cầu Nậm Tôn (xã Châu Quang), nhìn xuống sông giật mình. Nước dưới dòng Nậm Tôn đỏ quạch. Một người dân sống gần cầu Nậm Tôn bảo, sông có màu kỳ dị như vậy là do khai thác, chế biến khoáng sản đầu nguồn. Ông Sầm Văn Bình, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, sống cách dòng Nậm Tôn không xa cho hay, sông suối có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống đồng bào người Thái. Ngoài cung cấp nước cho ruộng đồng, sinh hoạt, đánh bắt tôm, cá; về mặt tâm linh, sông suối là nơi gột rửa linh hồn. Trong đám ma người Thái có nghi lễ đưa hồn người chết ra gột rửa ở sông suối. Khi đón vía trên trời trở về trong nghi lễ cúng vía thì bến nước là nơi hồn vía đáp xuống đầu tiên. Người Thái dùng từ “nặm” (nậm) để chỉ sông, trong đó sông lớn được gọi chung là “mẻ nặm”. Từ “mẻ” mang nghĩa là con, cái (giống cái). “Mẻ” cũng chính là “mẹ” trong tiếng Việt. Người Thái coi dòng sông lớn là “mẹ nước”. Ấy vậy mà giờ đây “mẹ nước” đang bị “bức tử”.
 
Những ngọn núi ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị đào bới tan hoang
Bản Bành (xã Châu Quang) ngày trước vốn bình yên, xanh mướt như bao bản khác. Nhưng giờ đây, đứng từ xa trông về, bản không khác gì một thanh niên tươi trẻ trên đầu trọc lốc, nham nhở sẹo. Phía trên đầu bản, núi bị đào bới tan hoang, trơ ra nhiều khoảng trắng bạc. Trên đường vào bản, chốc chốc lại gặp ô tô tải trọng lớn chở đá đi ra. Xe đi qua, bụi mù mịt cuốn theo cả quãng dài. Mặt đường phủ bụi đá, đất dày kịt, như phơi bột sắn. Mỗi khi đặt chân xuống, bụi tung lên ám cả vào người. Do chủ quan không đeo khẩu trang nên chỉ một hồi sau, chúng tôi bắt đầu ho sặc sụa, mũi và cổ họng khô khốc. Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Bành Sầm Văn Phương, ngao ngán: “Bụi và tiếng ồn là hai món ăn thường trực của dân bản tôi”. 
2. Ghé thăm anh Lô Trung Tuấn (45 tuổi, ở bản Bành), người mi hồi phục do tai nạn từ đá. Anh Tuấn kể, hôm ấy, hết giờ làm, anh lấy xe máy để về. Xe hỏng nên anh dừng lại sửa. Trong lúc anh đang sửa xe thì tổ đá hộc của công ty nổ mìn phá đá. Một hòn đá văng trúng đầu, anh bị hôn mê 3 ngày, sau đó phải mổ, chạy chữa khắp nơi mới hồi phục. Giờ anh và 2 đứa con trông chờ cả vào vợ. Vợ anh cũng làm đá, mỗi ngày chỉ được 180.000 - 200.000 đồng, nhưng là “làm chay” không hợp đồng lao động, không bảo hiểm. Anh Tuấn bảo, như anh còn may, cách đây mấy tháng có người cũng bị tai nạn từ sản xuất đá, chết. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang Sầm Thanh Ngọc thông tin, năm 2016 chỉ một vụ tai nạn mỏ đã cướp đi 3 người, 1 người bị thương.
Ngôi nhà của chị Lương Thị Bình (bản Phẩy, xã Châu Tiến) nằm chênh vênh bên sườn đồi. Chị là vợ anh Vi Văn Hợp, người mới tử nạn khi đang khai thác đá. Đến nhà, hàng xóm bảo chị đang đi làm đá. Đợi mãi, gần trưa may gặp được bà Lương Thị Tuyết, mẹ anh Hợp. Bà Tuyết kể, gia đình bà ở trên huyện Quỳ Châu xuống bản Phẩy lập nghiệp. Hợp là lao động chính trong gia đình. Tháng 6 vừa qua, trong khi đang lái máy để đập đá phía dưới chân núi Na Biêng thì một khối đá phía trên đổ ập xuống. Hợp mất, để lại mẹ già, bố bị tâm thần, vợ và 2 đứa con, trong đó đứa đầu đang học đại học năm thứ 2. Bà Tuyết ngậm ngùi: “Nhiều người cũng hỏi có thắc mắc chi về chế độ của thằng Hợp không? Nhưng tôi nói thắc mắc chi nữa, có thắc mắc cũng không lấy lại được mạng sống của con tôi, tiền tỷ cũng không lấy lại được…”. 
Nhà 3 anh em mồ côi Lương Tuấn Thành nằm sâu trong bản Huống (xã Châu Hồng). Năm 2019, vợ chồng anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo lên núi Lan Toong mót quặng thiếc, hầm sập, cả hai tử nạn để lại 3 đứa con. Thành là con trai đầu 19 tuổi, em kế là Công 17 tuổi và em út Bình An 9 tuổi. Thành kể, học đến lớp 10 cháu phải nghỉ, sang Trung Quốc làm thuê mong ước góp tiền cùng bố mẹ mổ não cho em, vì Bình An bị bệnh não úng thủy. Nhưng, ước mơ ấy đã không thành. Bố mẹ mất, cháu phải về chịu tang và lo cho hai em. Em Công giờ đi làm quặng với người chú. Thành phải ở nhà, ai thuê gì làm nấy, loanh quanh trong bản, vừa làm vừa trông nom Bình An. Mặc dù Bình An học không được nhưng ngày ngày Thành vẫn đưa em đến trường để em có bạn. Thành quệt nước mắt: “Lúc mang bố mẹ từ trên núi về, phải đưa em đi trốn, không cho biết. Đến bây giờ cháu vẫn phải nói dối em là bố mẹ đi làm trong núi xa nên chưa về. Nhiều lần thấy em nhìn ảnh bố mẹ trên bàn thờ, rồi lúc ăn cơm em cứ ngồi ngơ ngơ ngác ngác, cháu chỉ biết khóc”. 
3. Tỉnh lộ 532 vào xã Châu Hồng, Châu Tiến đúng nghĩa là “con đường đau khổ”. Ổ gà, ổ voi lồi lõm, bụi mù, đá từ nền đường bật lên lăn lóc. Chỉ tầm hơn 20km đường nhưng chúng tôi phải “bò” hơn 1 giờ mới tới nơi. Dọc đường vào bắt gặp nhiều xe tải hạng nặng ì ạch chở đá ra ngoài. Chủ tịch UBND xã Châu Hồng Lương Văn Long than thở: “Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa mệt lắm. Cách đây không lâu, có một dự án 39 tỷ đồng đầu tư sửa chữa con đường này. Nhưng khi vào khảo sát, thấy xe tải trọng lớn cày đường khiếp quá, sợ làm chưa xong đã hỏng, không nghiệm thu được nên người ta không dám làm nữa”. 
Ông Long cho hay, chỉ riêng xã ông có thời điểm có tới 22 điểm mỏ đá trắng và quặng thiếc (toàn huyện Quỳ Hợp có 121 điểm mỏ) được khai thác từ những năm 1980. Xã có 940 hộ dân, 95% là đồng bào Thái, tỷ lệ hộ nghèo là 26%, nếu tính cả hộ nghèo và cận nghèo là trên 55%. Mặc dù sống trong “thủ phủ mỏ” nhưng người dân không được hưởng gì, trái lại phải “chịu trận” và thiệt thòi đủ thứ, từ ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn, mất đất sản xuất cho tới đi lại (đường bị xe chở quặng phá nát). Ông Long nói: “Mang tiếng là đất mỏ nhưng lợi thì chủ doanh nghiệp hưởng. Chỉ có khoảng năm 2008 - 2012, xã được hưởng một chút lợi từ thuế giá trị gia tăng, còn lại không được hưởng đồng nào từ khai thác mỏ. Có một số doanh nghiệp thỉnh thoảng trao cho dân ít quà từ thiện, chỉ có thế”.
DUY CƯỜNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm